Công dân ngoại tỉnh cần đăng ký tạm trú trước ngày 01/7/2021.

 (Zluat) – Từ 01/7/2021, Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực pháp luật với rất nhiều điểm mới liên quan đến tạm trú, thường trú của người dân.

Bị xóa thường trú nếu không báo tạm vắng hoặc tạm trú

Ngày 1/7/2021 tới đây là thời điểm có hiệu lực của Luật Cư trú 2020, có rất nhiều điểm mới liên quan đến tạm trú, thường trú của người dân.

Trong đó điểm d, khoản 1, Điều 24 của Luật này quy định một trong những trường hợp bị xóa đăng ký thường trú là:
“Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng”.

Như vậy, nếu đã rời khỏi nơi đăng ký thường trú từ 01 năm trở lên thì phải đăng ký tạm trú tại nơi đang sinh sống và làm việc; hoặc là phải khai báo tạm vắng tại nơi đăng ký thường trú. Nếu không thực hiện một trong hai nghĩa vụ này, người dân sẽ bị xóa đăng ký thường trú.

Ví dụ: Anh H quê ở Phú Thọ, đăng ký thường trú tại Phú Thọ. Nhưng đi học đại học từ năm 2014, sau khi tốt nghiệp ra trường, anh đi làm và sinh sống tại Hà Nội.
Như vậy, anh H bắt buộc phải khai báo tạm vắng ở quê nhà (Phú Thọ) hoặc phải đăng ký tạm trú tại Hà Nội (nơi đang sinh sống và làm việc). Nếu không, từ ngày 1/7/2021 – khi Luật mới có hiệu lực – anh sẽ bị xóa đăng ký thường trú tại Phú Thọ.

Quy định nêu trên tác động mạnh mẽ tới phần đông những người ngoại tỉnh đang làm việc và sinh sống ổn định, lâu dài tại các thành phố lớn, nhưng chưa đăng ký tạm trú tại đây, cũng như chưa làm thủ tục khai báo tạm vắng ở quê nhà – nơi đang có hộ khẩu thường trú.

Thủ tục khai báo tạm vắng, đăng ký tạm trú

Thủ tục khai báo tạm vắng

Theo Điều 22 của Thông tư 35/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, nêu rõ thủ tục khai báo tạm vắng được tiến hành như sau:

– Hồ sơ cần chuẩn bị:
+ Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân
+ Phiếu khai báo tạm vắng (HK05)

– Nơi nộp hồ sơ:
Trụ sở Công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú

– Thời gian giải quyết:
01 ngày làm việc (trường hợp đặc biệt, tối đa 02 ngày).

– Phí/lệ phí:
Không.

Thủ tục đăng ký tạm trú

Theo Điều 16 Thông tư 35/2014/TT-BCA, thủ tục đăng ký tạm trú được tiến hành như sau:

– Hồ sơ cần chuẩn bị:
+ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; trường hợp thuê nhà phải có Hợp đồng thuê nhà và được chủ nhà đồng ý cho đăng ký tạm trú vào nhà thuê)
+ Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân

– Nơi nộp hồ sơ:
Nộp hồ sơ đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn nơi tạm trú.

– Thời gian giải quyết:
03 ngày làm việc.

– Phí/lệ phí:
Theo quy định từng địa phương.

Lưu ý: Thủ tục khai báo tạm vắng và đăng ký thường trú nêu trên được thực hiện theo quy định hiện hành. 

Kể từ ngày 1/7/2021, các thủ tục nêu trên sẽ thay đổi theo Luật Cư trú 2020. 

VŨ THỦY

Nhiều điểm mới nổi bật của Luật Cư trú 2020

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *