Cho vay tính lãi ngày (3000, 5000 đồng/triệu/ngày…) có phải là cho vay nặng lãi không ?.

Cho vay tính lãi ngày hay vay lãi ngày là một hình thức vay tiền không còn xa lạ tại Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố, khu vực đông dân cư, các khu công nghiệp,… Tuy nhiên, liệu đây có phải một hình thức của cho vay nặng lãi không? Zluat sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn trong bài viết dưới đây.

Cho vay tính lãi ngày

Cho vay tính lãi ngày là gì?

“Cho vay tính lãi ngày” không phải là thuật ngữ trong khoa học pháp lý mà chỉ là từ ngữ được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hằng ngày để chỉ các giao dịch vay tiền áp dụng tính lãi suất theo ngày.

Hằng ngày chúng ta rất dễ bắt gặp các biển hiệu, biển quảng cáo, tờ rơi,… với nội dung  “cho vay lãi ngày nhanh, lãi suất thấp…” được dán khắp nơi trên đường. Hiện nay, với sự phát triển của mạng internet, những quảng cáo về việc cho vay lãi ngày với thủ tục nhanh, gọn, đơn giản … tràn lan trên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo,…

Thông thường, các quảng cáo sẽ là “vay lãi 3000/triệu/ngày, 5000/triệu/ngày… Người vay chỉ cần cầm cố Chứng minh nhân dân, Giấy phép lái xe hay Sổ hộ khẩu… là có thể được vay ngay số tiền vài chục triệu đồng. Việc tính lãi trong trường hợp này được tính theo ngày và thời hạn vay cũng không dài.

Cho vay tính lãi ngày có phải là cho vay nặng lãi không?

Trong phạm vi bài viết này, Zluat chỉ xét việc cho vay tính lãi ngày có phải cho vay nặng lãi không trong giao dịch dân sự giữa cá nhân với cá nhân hoặc cá nhân với tổ chức mà không phải tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

Quy định về thế nào là vay nặng lãi được giải thích tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP. Cụ thể, cho vay lãi nặng được định nghĩa như sau:

“1. “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.”

Trong đó, lãi suất cao nhất mà các bên có thể thoả thuận nêu tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự là 20%/năm. Do đó, được xem là cho vay lãi nặng nếu các bên thoả thuận mức lãi suất cao hơn 100%/năm hoặc 0,27%/ngày.

Do đó, nếu lãi ngày vượt quá 0,27%/ngày thì bị xem là cho vay nặng lãi.

Cho vay tính lãi ngày với lãi suất vượt quá quy định bị xử phạt như thế nào ?

Khi cho vay ngày với lãi suất vượt quá 0,27%/ngày thì bị xem là cho vay nặng lãi. Tuỳ từng trường hợp cụ thể cũng như mức độ vi phạm, người cho vay lãi ngày với lãi suất bị xem là nặng lãi có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

– Bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng theo điểm đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:

“Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;”

Trường hợp này chỉ là người cho vay với mức lãi suất quá 20%/năm tương đương với việc cho vay quá 0,27%/ngày thì người cho vay đã có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt như trên.

– Chịu trách nhiệm hình sự: Nếu mức độ nặng, người cho vay nặng lãi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cho vay nặng lãi theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017:

  1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
  2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo đó, mức phạt tù được quy định cụ thể như sau:

Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm tù (hoặc phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng) nếu cho vay với lãi suất gấp 100%/năm tương đương 0,27%/ngày và:

  • Thu lợi bất chính từ 30- dưới 100 triệu đồng, hoặc
  • Đã bị kết án, chưa xóa án tích, tiếp tục vi phạm, hoặc
  • Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này.

Thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên: Từ 06 tháng – 03 năm (hoặc phạt tiền từ 200 triệu đồng – 01 tỷ đồng).

Như vậy, Zluat đã giải đáp thắc mắc của các bạn về Cho vay tính lãi ngày có phải là cho vay nặng lãi không. Trong trường hợp quý khách có bất kỳ các vấn đề nào gặp khó khăn đừng ngần ngại liên hệ Zluat để được hỗ trợ trực tiếp bởi Luật sư Lâm Hoàng Quân, Luật sư Trung và các Luật sư giàu kinh nghiệp khác.

Điện thoại: 0906.719.947

Gmail: lienhe.luatvn@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *