Cá nhân giao nộp cổ vật cho nhà nước có được thưởng tiền không? Hãy cùng Zluat tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Cá nhân giao nộp cổ vật cho nhà nước có được thưởng tiền không?
Tại Điều 41 Luật di sản văn hóa 2001 được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 1 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009 quy định về di sản như sau:
“Điều 41
1. Mọi di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc do tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp phải được tạm nhập vào bảo tàng cấp tỉnh nơi phát hiện. Bảo tàng cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Căn cứ giá trị và yêu cầu bảo quản di vật, cổ vật quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định giao di vật, cổ vật đó cho bảo tàng công lập có chức năng thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị.
3. Tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp di vật, cổ vật được bồi hoàn chi phí phát hiện, bảo quản và được thưởng một khoản tiền theo quy định của Chính phủ.”
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu cá nhân giao nộp cổ vật mà mình phát hiện được thì sẽ được thưởng một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Mức tiền thưởng khi cá nhân giao nộp cổ vật cho nhà nước là bao nhiêu?
Tại điểm b khoản 5 Điều 30 Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định về mức chi thưởng cho cá nhân giao nộp cổ vật như sau:
– Trường hợp tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử – văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng được tính theo phương pháp lũy thoái từng Phần, cụ thể như sau:
+ Phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 30%;
+ Phần giá trị của tài sản trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 15%;
+ Phần giá trị của tài sản trên 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 7%;
+ Phần giá trị của tài sản trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 1%;
+ Phần giá trị của tài sản trên 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 0,5%;
Giá trị của tài sản để trích thưởng được xác định sau khi trừ các khoản chi phí theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 Nghị định này.
– Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy là di tích lịch sử – văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng bằng 50% của các mức thưởng tương ứng quy định tại điểm a Khoản này.
– Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy không phải là di tích lịch sử – văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng bằng 30% của các mức thưởng tương ứng quy định tại điểm a Khoản này.
Như vậy, nếu bạn phát hiện và giao nộp cổ vật thì bạn sẽ được thưởng tiền, mức tiền thưởng sẽ phụ thuộc vào giá trị của cổ vật mà bạn đã giao nộp theo quy định của pháp luật nêu trên.
Cá nhân không giao nộp cổ vật cho nhà nước bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại Điều 25 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về thông báo, giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được phát hiện như sau:
“Điều 25. Vi phạm quy định về thông báo, giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được phát hiện
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo, không giao nộp di vật, cổ vật được phát hiện.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.”
Như vậy, nếu cá nhân phát hiện mà không giao nộp cổ vật thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đồng thời sẽ bị tịch thu cổ vật đó theo quy định của pháp luật.
Hotline: 0906.719.947,
Email: [email protected]