Thuê xe tự lái gây tai nạn trách nhiệm pháp lý như thế nào?.

(Zluat) – Thuê xe tự lái gây tai nạn giao thông bị xử lý thế nào theo quy định pháp luật? Bạn đọc H.K.L hỏi.

Ảnh minh họa.

Trả lời về vấn đề trên, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại khoản 18, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định: “Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm: xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự”.

Theo quy định nêu trên thì xe ô tô là “phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” và là “nguồn nguy hiểm cao độ” được quy định tại khoản 1, Điều 601, Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể như sau: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.

Và về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4, Điều 601, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định:

“2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.

Theo các quy định nêu trên, khi xác lập và thực hiện giao dịch cho thuê xe ô tô thì Bên cho thuê xe đã giao xe ô tô cho Bên thuê xe chiếm hữu và sử dụng trong một thời gian nhất định, thông qua một hợp đồng dân sự (Hợp đồng cho thuê tài sản).

Và kể từ thời điểm nhận bàn giao và sử dụng chiếc xe ô tô cho thuê, Bên thuê xe được coi là người chiếm hữu và sử dụng xe ô tô cho thuê theo hợp đồng thuê xe.

Do đó, trong quá trình Bên thuê xe đang chiếm hữu và sử dụng xe ô tô cho thuê mà gây tai nạn, làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác thì Bên thuê xe phải có trách nhiệm bồi thương thiệt hại cho người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 601, Bộ luật dân sự 2015 nêu trên.

Tuy nhiên, nếu các Bên có thỏa thuận về việc Bên cho thuê xe có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì Bên cho thuê xe sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại theo thỏa thuận giữa các Bên và quy định của pháp luật.

Còn nếu Bên cho thuê xe biết rõ Bên thuê xe là người không đủ điều kiện điều khiển xe ô tô tham gia thông mà vẫn cho thuê, giao xe cho người này điều khiển tham gia giao thông, thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà Bên cho thuê xe có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 

Theo quy định tại điểm h, khoản 8, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi: “Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 58 (đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô), khoản 1, Điều 62 (đối với xe máy chuyên dùng) của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng)”.

Nếu Bên thuê xe (không đủ điều kiện mà điều khiển ô tô tham gia giao thông) gây thiệt hại cho người khác (thuộc một trong các trường hợp sau: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên) thì Bên cho thuê xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” (Điều 264, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù từ 06 tháng đến cao nhất 07 năm.

Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Đồng thời, tùy thuộc vào lỗi vi phạm, cũng như tính chất và mức độ vi phạm cụ thể, Bên thuê xe gây tai nạn cũng sẽ phải chịu các trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm của mình theo quy định của pháp luật.

TRẦN QUÝ

Sử dụng hình ảnh bác sĩ giới thiệu hàng đa cấp có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one
Liên hệ Luật sư