Đấu thầu là gì? Đặc điểm của đấu thầu.

Đấu thầu là gì? Đặc điểm của đấu thầu như thế nào? Bài viết này của Zluat sẽ cung cấp thông tin đến bạn đọc.

Đấu thầu là gì? Đặc điểm của đấu thầu

Đấu thầu là gì?

Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế (theo khoản 12 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013 sửa đổi tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020).

Theo đó, có thể hiểu đơn giản đấu thầu là quá trình chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của mình.

Như vậy, bản chất của đấu thầu là sự cạnh tranh giữa các nhà thầu để được thực hiện một công việc, yêu cầu nào đó. Mục tiêu của nhà thầu là giành được quyền cung cấp mua hàng hóa, dịch vụ đó với giá đủ bù đắp các chi phí đầu vào và đảm bảo mức lợi nhuận cao nhất có thể.

Đặc điểm của đấu thầu

 Về chủ thể tham gia đấu thầu:       

Theo quy định của Luật Đấu thầu 2013, các chủ thể tham gia đấu thầu gồm có bên mời thầu và bên dự thầu. Trong đó:

Bên mời thầu là cơ quan, tổ chức có chuyên môn và năng lực để thực hiện các hoạt động đấu thầu, bao gồm chủ đầu tư hoặc tổ chức do chủ đầu tư quyết định thành lập hoặc lựa chọn; đơn vị dự toán trực tiếp sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên; đơn vị mua sắm tập trung; cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức trực thuộc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn. Đây là các bên có nhu cầu mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ.

Bên dự thầu là các thương nhân có năng lực cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho gói thầu.

– Về hình thức đấu thầu:

Luật đấu thầu 2013 cho phép bên mời thầu có thể lực chọn nhà thầu thông qua 8 hình thức dưới đây:

+Đấu thầu rộng rãi: là hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong đó không hạn chế số lượng nhà thầu, nhà đầu tư tham dự.

Ưu điểm của hình thức này là có thể thu hút được nhiều nhà cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ tham gia đấu thầu và qua đó bên mời thầu có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn được nhà thầu đáp ứng được tốt nhất các yêu cầu của mình. Với hình thức đấu thầu này nguy cơ xảy ra thông thầu cũng có khả năng được giảm bớt. Vì vậy, đây là hình thức đấu thầu phổ biến nhất hiện nay.

+Đấu thầu hạn chế: là hình thức được áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu.

Hình thức đấu thầu hạn chế có ưu điểm là giới hạn được số lượng hồ sơ dự thầu giúp việc đánh giá hồ sơ dự thầu được hiệu quả hơn và ít tốn kém hơn, tuy nhiên khả năng xảy ra việc thông thầu thì cao hơn so với đấu thầu rộng rãi.

+Chỉ định thầu: chỉ được áp dụng đối với các gói thầu nhất định khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

+Mua sắm trực tiếp: được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm hoặc thuộc dự án, dự toán mua sắm khác.

Nhà thầu được lựa chọn áp dụng hình thức này phải là nhà thầu đã trúng thầu với gói thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã thực hiện hợp đồng hàng hóa tượng tự này trước đó. Có thể coi đây là một hình thức lựa chọn nhà thầu nhanh, gọn giúp bên mời thầu, chủ đầu tư tiết kiệm được chi phí nhưng vẫn bảo đảm được hiệu quả kinh tế.

+Chào hàng cạnh tranh: được áp dụng đối với gói thầu có giá trị trong hạn mức theo quy định của Chính phủ và thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 23 Luật Đấu thầu 2013.

+Tự thực hiện: được áp dụng đối với gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm trong trường hợp tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu có năng lực kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu.

+Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt: trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, người có thẩm quyền sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

+Tham gia thực hiện cộng đồng: đây là hình thức mà theo đó cộng đồng dân cư, tổ, nhóm thợ tại địa phương nơi có gói thầu được giao thực hiện toàn bộ hoặc một phần gói thầu đó trong các trường hợp: gói thầu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho các huyện, xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, gói thầu quy mô nhỏ mà cộng đồng dân cư, tổ chức, tổ, nhóm thợ tại địa phương có thể đảm nhiệm.

– Về đối tượng đấu thầu:

Bao gồm hàng hóa, dịch vụ tư vấn và dịch vụ phi tư vấn. Trong đó:

+Dịch vụ tư vấn là một hoặc một số hoạt động bao gồm: lập, đánh giá báo cáo quy hoạch, tổng sơ đồ phát triển, kiến trúc; khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập thiết kế, dự toán; lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm tra, thẩm định; giám sát; quản lý dự án; thu xếp tài chính; kiểm toán, đào tạo, chuyển giao công nghệ; các dịch vụ tư vấn khác.

+Dịch vụ phi tư vấn là một hoặc một số hoạt động bao gồm: logistics, bảo hiểm, quảng cáo, lắp đặt không thuộc quy định tại khoản 45 Điều này, nghiệm thu chạy thử, tổ chức đào tạo, bảo trì, bảo dưỡng, vẽ bản đồ và hoạt động khác không phải là dịch vụ tư vấn trên.

– Về phương thức đấu thầu:

Các bên có thể lựa chọn các phương thức sau:

+Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ: là phương thức mà nhà thầu, nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Việc mở thầu được tiến hành một lần đối với toàn bộ hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.

+Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ: là phương thức mà nhà thầu, nhà đầu tư nộp đồng thời hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

+Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ: là phương thức mà việc lựa chọn hồ sơ được chia làm hai giai đoạn:

Trong giai đoạn một, nhà thầu nộp đề xuất về kỹ thuật, phương án tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng chưa có giá dự thầu. Trên cơ sở trao đổi với từng nhà thầu tham gia giai đoạn này sẽ xác định hồ sơ mời thầu giai đoạn hai.

Trong giai đoạn hai, nhà thầu đã tham gia giai đoạn một được mời nộp hồ sơ dự thầu. Hồ sơ dự thầu bao gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn hai, trong đó có giá dự thầu và bảo đảm dự thầu.

+Phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ: việc lựa chọn nhà thầu và mở thầu được chia làm hai giai đoạn với hai túi hồ sơ.

Trong giai đoạn một, nhà thầu nộp đề xuất về kỹ thuật, phương án tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng chưa có giá dự thầu. Trên cơ sở trao đổi với từng nhà thầu tham gia giai đoạn này sẽ xác định hồ sơ mời thầu giai đoạn hai.

Trong giai đoạn hai, nhà thầu đã tham gia giai đoạn một được mời nộp hồ sơ dự thầu. Hồ sơ dự thầu bao gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn hai, trong đó có giá dự thầu và bảo đảm dự thầu.

Trên đây là toàn bộ quy định của pháp luật về Đấu thầu là gì? Đặc điểm của đấu thầu Zluat xin gửi đến quý bạn đọc. Trường hợp có các thắc mắc cần giải đáp liên quan đến pháp luật quý bạn đọc có thể liên hệ Zluat để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư Lâm Hoàng QuânLuật sư Trịnh Văn Long và các Luật sư có kinh nghiệm khác.

Hotline: 0906.719.947,

Email: lienhe.luatvn@gmail.com

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one
Liên hệ Luật sư