Xác định như thế nào là đương sự ở nước ngoài?.

(Zluat) – Tôi có cho một người làm cùng công ty là người nước ngoài làm việc ở Việt Nam vay tiền. Tuy nhiên, đến hạn trả nợ người này không trả tiền và đã ra nước ngoài. Vậy, tôi muốn hỏi, nếu tôi khởi kiện ra Tòa án thì cần dựa vào tiêu chí gì để xác định đương sự ở nước ngoài? Bạn đọc T.Q. (Hà Nội) có hỏi.

Ảnh minh họa. 

Trong trường hợp trên, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết, theo khoản 3 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này”.

Theo đó, đối tượng trong trường hợp trên là người nước ngoài làm việc ở Việt Nam nên được xác định là đương sự ở nước ngoài, khi phát sinh tranh chấp thì căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây: Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam…”. Do đó, việc tranh chấp phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân tại Việt Nam. Tuy nhiên, về thẩm quyền giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 không định nghĩa đương sự ở nước ngoài mà quy định cá nhân là người nước ngoài tham gia thì vụ việc đó có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, tại Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP quy định:

‘’1. Đương sự ở nước ngoài bao gồm:

a) Đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

b) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

c) Đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

d) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

đ) Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.”

Như vậy, các quy định tại Điều 7 của Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP là hướng dẫn và phân loại chi tiết các trường hợp chủ thể là người nước ngoài mà không định nghĩa đối với chủ thể “người nước ngoài” là gì nên không trái với việc xác định yếu tố nước ngoài trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khái niệm “người nước ngoài” của Luật Cư trú.

NGỌC ANH

Sử dụng hình ảnh bác sĩ giới thiệu hàng đa cấp có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one
Liên hệ Luật sư