1. Khái niệm
Tư vấn có thể là tư vấn về tâm lý, tư vấn về bất động sản, tư vấn việc làm hay tư vấn sức khỏe,…và hoạt động này ngày càng phổ biến trong các lĩnh vực khác nhau. Tư vấn là quá trình thu thập những thông tin, yêu cầu của chủ thể yêu cầu tư vấn, từ đó chủ thể tư vấn sẽ vận dụng những kiến thức của mình trong một hoặc một số lĩnh vực nhất định để đưa ra lời tư vấn để giải quyết thắc mắc, yêu cầu của chủ thể yêu cầu tư vấn.
Pháp luật là “những quy phạm hành vi do Nhà nước ban hành, mọi công dân buộc phải tuân theo nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội và bảo vệ trật tự xã hội“. Pháp luật là những quy phạm pháp luật bắt buộc do Nhà nước ban hành, bao gồm: Hiến pháp, Bộ luật, Luật, Nghị định, Thông tư,…
Tư vấn pháp luật là một trong những hoạt động tư vấn mang tính chuyên môn cần phải có sự hiểu biết rộng và sâu cũng như có kinh nghiệm thực tế để có thể đưa ra những ý kiến, phương án giải quyết vấn đề hay yêu cầu mà chủ thể yêu cầu tư vấn pháp lý đưa ra. Việc chủ thể tư vấn pháp lý đóng góp, xây dựng các ý kiến, phương án đó không mang tính bắt buộc, cưỡng chế mà quyền quyết định có thực hiện hay không thuộc về chủ thể yêu cầu tư vấn. Những ý kiến đấy không được trái với những quy định của pháp luật
Theo định nghĩa pháp lý, được quy định tại Điều 28 Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) về hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư:
“1. Tư vấn pháp luật là việc luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ.
Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật trong tất cả các lĩnh vực pháp luật.
2. Khi thực hiện tư vấn pháp luật, luật sư phải giúp khách hàng thực hiện đúng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.”
Trong Từ điển Luật học có định nghĩa về “tư vấn pháp lý”: “Người có chuyên môn về pháp luật và được hỏi ý kiến để tham khảo khi giải quyết, quyết định công việc. Việc tham gia ý kiến theo góc độ pháp luật với tư cách là cộng tác viên hoặc là làm dịch vụ“.
Như vậy, tư vấn pháp luật là hoạt động đưa ra ý kiến có tính chuyên môn của chủ thể tư vấn pháp luật về nội dung hay thủ tục được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến một tình huống thực tế cụ thể của chủ thể yêu cầu tư vấn. Chủ thể tư vấn pháp luật là cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật và có quyền và nghĩa vụ khi tham gia tư vấn pháp luật.
2. Chủ thể tham gia tư vấn pháp luật
Trong hệ thống thông luật (common law), tư vấn pháp luật luôn luôn được thực hiện bởi luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng. Còn hệ thống dân luật (civil law), tư vấn pháp luật sẽ do người bào chữa, luật sư hoặc bởi chuyên gia trong lĩnh vực khác thực hiện như: chuyên gia về thuế, người cố vấn chuyên nghiệp,…
Ở một vài quốc gia, người thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật bắt buộc phải có một chứng chỉ đặc biệt. Một số quốc gia khác thì chỉ quy định những quy định chung về nghĩa vụ nghề nghiệp. Bất kỳ ai cũng có thể hành nghề tư vấn pháp luật và họ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về những lời tư vấn mà bản thân đã đưa ra.
Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang có hiệu lực thì chủ thể thực hiện hoạt động tư vấn bao gồm:
* Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý
Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
– Trung tâm trợ giúp pháp lý: là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng.
– Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý: là tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức đăng ký tham gia trơ giúp pháp lý.
* Người thực hiện trợ giúp pháp lý
Người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý và cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
Thứ nhất, trợ giúp viên pháp lý là người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý trong đó có thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật. Họ có những tiêu chuẩn chặt chẽ quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 như: phẩm chất đạo đức, có trình độ cử nhân Luật trở lên; đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý; có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý và không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.
Khi tham gia hoạt động tố tụng thì họ sẽ là người bào chữa cho người bị buộc tội (người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý) trong tố tụng hình sự và cho đương sự trong tố tụng dân sự. Điểm d khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Người bào chữa có thể là: trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý“. Điều này đã khẳng định tầm quan trọng của công tác Trợ giúp pháp lý trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân và những người yếu thế trong xã hội.
Thứ hai, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 quy định luật sư tham gia trợ giúp pháp lý với tư cách là cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Quy định này đã được bãi bỏ và thay thế bởi điểm b khoản 1 Điều 17 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 là luật sư trực tiếp ký kết hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước theo “cơ chế tuyển chọn”. Đây là cơ chế hỗ trợ cho các Trung tâm trợ giúp pháp lý lựa chọn được đội ngũ luật sư có chất lượng.
Thứ ba, tư vấn viên pháp luật làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Việc đặt điều kiện tư vấn viên có 02 năm kinh nghiệm tư vấn vấn pháp luật trở lên giúp cho dịch vụ tư vấn pháp lý được cải thiện hơn về chất lượng cũng như lợi ích của những người được hưởng trợ giúp pháp lý được chủ trọng, quan tâm hơn.
Thứ tư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý là những người đã nghỉ hưu, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có nguyện vọng thực hiện trợ giúp pháp lý.
* Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật
Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật theo Điều 28 Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012). Luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, quan điểm của mình và giúp họ soạn thảo những giấy tờ liên quan đến quyền và lợi ích của khách hàng.
* Tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật
Hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật mang tính chất xã hội và không nhằm mục đích thu lợi nhuận. Họ phải thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật với điều kiện được quy định tại Điều 5 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 07 năm 2008 về tư vấn pháp luật: có ít nhất hai tư vấn viên pháp luật hoặc một tư vấn viên pháp luật và một luật sư hoặc hai luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động.
✅ Dịch vụ thành lập công ty | ⭕ Zluat cung cấp dịch vụ thành lập công ty/ thành lập doanh nghiệp trọn vẹn chuyên nghiệp đến quý khách hàng toàn quốc |
✅ Đăng ký giấy phép kinh doanh | ⭐ Thủ tục bắt buộc phải thực hiện để cá nhân, tổ chức được phép tiến hành hoạt động kinh doanh của mình |
✅ Dịch vụ ly hôn | ⭕ Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn ly hôn, chúng tôi tin tưởng rằng có thể hỗ trợ và giúp đỡ bạn |
✅ Dịch vụ kế toán | ⭐ Với trình độ chuyên môn rất cao về kế toán và thuế sẽ đảm bảo thực hiện báo cáo đúng quy định pháp luật |
✅ Dịch vụ kiểm toán | ⭕ Đảm bảo cung cấp chất lượng dịch vụ tốt và đưa ra những giải pháp cho doanh nghiệp để tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh hay các hoạt động khác |
✅ Dịch vụ làm hộ chiếu | ⭕ Giúp bạn rút ngắn thời gian nhận hộ chiếu, hỗ trợ khách hàng các dịch vụ liên quan và cam kết bảo mật thông tin |