Điểm mới về quy định tội tham ô của BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Zluat.png
Tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Tính nguy hiểm của loại tội phạm này thể hiện ở chỗ nó làm phương hại đến lợi ích quốc gia. Là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự gia tăng những bất công trong xã hội, làm xói mòn niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 sửa đổi những gìĐiểm mới về quy định tội tham ô của BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017

1. Tội phạm tham nhũng là gì?

Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 là đạo luật điều chỉnh quan hệ xã hội trong lĩnh vực hình sự hiện hành ở nước ta. Bên cạnh việc quy định những tội phạm “phi truyền thống” mới được quy định thì những tội phạm “truyền thống” tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Một trong những tội phạm “truyền thống” trong Bộ luật Hình sự năm 2015 ở đây mà các bạn cần phải lưu tâm là các tội phạm về chức vụ mà điển hình trong đó là các tội phạm tham nhũng.

Các tội phạm tham nhũng của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 được quy định tại Mục 1 Chương XXIII bao gồm 07 Điều luật (từ Điều 353 đến Điều 359).

2. Vì sao Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi về tội phạm tham nhũng?

Tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Tính nguy hiểm của loại tội phạm này thể hiện ở chỗ nó làm phương hại đến lợi ích quốc gia, đến sự thụ hưởng các quyền và lợi ích của người nghèo, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự gia tăng những bất công trong xã hội, làm xói mòn niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.

Về đối ngoại, sự gia tăng tội phạm tham nhũng làm giảm niềm tin của các đối tác nước ngoài, uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.
Bộ luật hình sự năm 2015 đã cơ bản thể chế hóa được những quan điểm, chủ trương đổi mới của Đảng về xây dựng, hoàn thiện pháp luật hình sự, cải cách tư pháp. Bộ luật cũng đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 theo hướng nâng cao tính nhân đạo, bảo đảm xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm quyền con người; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tạo điều kiện thuận lợi để người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường sống yên bình cho người dân, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, phát triển kinh tế, xã hội.
Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm chức vụ nói chung, các tội phạm về tham nhũng nói riêng trong tình hình mới, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi, bổ sung các tội phạm về tham nhũng, chức vụ là phải thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương “Quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác”, trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; “Sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng tăng hình thức phạt tiền, miễn hoặc giảm hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả”, trong Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cụ thể hóa quy định “Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền” khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các điều luật hiện hành trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, chính trị của đất nước.

3. Sửa đổi, bổ sung mới về tội phạm tham nhũng trong Bộ luật hình sự năm 2015

3.1. Mở rộng các tội phạm về tham nhũng trong khu vực tư (ngoài Nhà nước)

Theo quy định tại Điều 277 Bộ luật hình sự cũ năm 1999 thì chủ thể của nhóm tội phạm về tham nhũng phải là những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, những người thi hành công vụ, đại diện cho quyền lực công (quyền lực Nhà nước). Còn những người có chức vụ, quyền hạn của nước ngoài, của tổ chức quốc tế hoặc trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước (khu vực tư) như các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, các công ty liên doanh có vốn Nhà nước tham gia, công ty cổ phần, hợp tác xã như: Giám đốc, phó giám đốc, kế toán, thủ quỹ, thủ kho… không phải là chủ thể của tội phạm về tham nhũng.

Việc không quy định tội phạm tham nhũng trong khu vực tư không chỉ không đáp ứng yêu cầu Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng mà còn bất cập với tình hình thực tiễn.

Bởi trên thực tế ở Việt Nam đã xuất hiện những trường hợp vì lợi ích của cơ quan, tổ chức hoặc địa phương mà cá nhân, người Việt Nam đã thực hiện hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để dành ưu thế nhất định. Và đương nhiên Việt Nam không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với các đối tượng này về hành vi nhận hối lộ cũng như hành vi đưa hối lộ.

Việc không coi người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực tư là chủ thể của tội tham nhũng dẫn đến áp dụng pháp luật không thống nhất, xử lý không công bằng, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội trong nhiều trường hợp cụ thể.
Do vậy, để giải quyết được những bất cập nêu trên, đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 đã nêu: “Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật” (khoản 2 Điều 51). Tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn xử lý hành vi tham nhũng đối với tài sản của doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước, trong đó có sự đan xen về sở hữu mà trong nhiều trường hợp không thể tách biệt giữa tài sản, phần vốn góp của tư nhân. Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng:
Một là, mở rộng nội hàm khái niệm tội phạm chức vụ bao gồm cả các tội phạm về chức vụ trong khu vực tư (ngoài Nhà nước). Cụ thể là mở rộng chủ thể thực hiện tội phạm không chỉ là người có chức vụ trong khi thực hiện “công vụ” (đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thông các cơ quan Nhà nước), mà còn là người có chức vụ trong khi thực hiện “nhiệm vụ” (tại các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước).

Khoản 1 Điều 352 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ“.

Đồng thời, làm rõ thuật ngữ người có chức vụ theo hướng không chỉ gắn với việc bầu, bổ nhiệm, mà còn gắn với vị trí công tác, theo đó tại khoản 2 Điều 352 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ“.

Việc mở rộng này tạo điều kiện để xử lý toàn diện và triệt để các hành vi tham nhũng trong khu vực tư, theo xu hướng chung của các nước trên thế giới.

Hai là, để có chính sách xử lý hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam hiện nay, Bộ luật hình sự năm 2015 giới hạn phạm vi các tội phạm về chức vụ trong khu vực ngoài Nhà nước chỉ đối với 04 tội danh gồm: Tội tham ô tài sản, Tội nhận hối lộ, Tội đưa hối và Tội môi giới hối lộ.

Cụ thể là khoản 6 Điều 353 (Tội tham ô tài sản) quy địnn:

“Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”;

Khoản 6 Điều 354 (Tội nhận hối lộ) quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này“;

Khoản 6 Điều 364 (Tội đưa hối lộ) quy định: “Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này“;

Khoản 7 Điều 365 (Tội môi giới hối lộ) quy định “Người nào mà môi giới hối lộ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này“.

Từ quy định thay đổi của Bộ luật hình sự năm 2015, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng đã có những sửa đổi tương tự về các hành vi tham nhũng. Theo đó, Luật này đã liêt kê cụ thể hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước ngay tại Điều 2.

3.2. Nâng mức giá trị tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trong cấu thành định khung cơ bản và định khung tăng nặng

Để phân hóa trách nhiệm hình sự rõ ràng hơn, bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng trong tình hình mới, Bộ luật hình sự năm 2015 điều chỉnh nâng mức giá trị tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác bị chiếm đoạt trong cấu thành cơ bản cũng như cấu thành tăng nặng trong hầu hết các tội phạm về tham nhũng mà Bộ luật hình sự cũ năm 1999 quy định quá thấp.

Cụ thể là, các Tội tham ô tài sản (Điều 353), Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355) được sửa đổi theo hướng nâng mức giá trị tài sản chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng lên thành từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng (khoản 1); Sửa đổi từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng lên thành từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng (khoản 2); Sửa đổi từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng lên thành từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng (khoản 3); Và sửa đổi từ 500.000.000 đồng trở lên lên thành 1.000.000.000 đồng trở lên (khoản 4).

Đối với Tội nhận hối lộ (Điều 354), Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358), Tội đưa hối lộ (Điều 364) và Tội môi giới hối lộ (Điều 365) được sửa đổi theo hướng nâng mức tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng lên thành từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng (khoản 1); từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng lên thành từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng (khoản 2); từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng lên thành từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng (khoản 3); từ 300.000.000 trở lên lên thành 1.000.000.000 đồng trở lên (khoản 4).

3.3. Bổ sung các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự và cụ thể hóa các tình tiết có tính định tính

Thứ nhất, một số tội về tham nhũng trong Bộ luật hình sự cũ năm 1999 quy định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự chưa đầy đủ, chưa dự liệu các tình tiết phát sinh trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng (như phạm tội có tổ chức, phạm tội 02 lần trở lên, tái phạm nguy hiểm…). Do đó, để bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng, cá thế hóa trách nhiệm hình sự, có chính sách xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp phạm tội có tính chất nghiêm trọng hơn, Bộ luật hình sự năm 2015 bổ sung tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự “có tổ chức“, “phạm tội 02 lần trở lên” vào Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (điểm a, b khoản 2 Điều 361); bổ sung tình tiết định khung tăng nặng “tái phạm nguy hiểm” vào Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (điểm c khoản 2 Điều 366).

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng thì hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi cũng là hành vi tham nhũng. Do đó, Bộ luật đã bổ sung tình tiết định khung tăng nặng “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” vào Tội đưa hối lộ (điểm d khoản 2 Điều 364) và Tội môi giới hối lộ (điểm đ khoản 2 Điều 365) để xử lý nghiêm khắc đối với người có chức vụ quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ.

Thứ hai, những vướng mắc khi thi hành Bộ luật hình sự cũ năm 1999 về các tội phạm tham nhũng, chính là các tính tiết có tính “định tính” như: Gây hậu nghiêm trọng, rất nghiệm trọng, đặc biệt nghiêm trọng…Trong khi đó Hiến pháp năm 2013 quy định mọi biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật định (khoản 2 Điều 14). Do vậy, để đảm bảo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật hình sự năm 2015 đã thay thế các tình tiết có tính “định tính” trong các tội tham nhũng bằng một hoặc một số những thiệt hại cụ thể như sau: Thiệt hại về tính mạng; thiệt hại về sức khỏe; thiệt hại về tài sản; số tiền thu lợi bất chính; làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức….Đồng thời tách các tình tiết tăng nặng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng được quy định ở cùng một khung trong Bộ luật hình sự cũ năm 1999 để quy định ở hai khung hình phạt khác nhau trong Bộ luật hình sự năm 2015.

Cụ thể các tình tiết tăng nặng này trong Tội lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ (khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự cũ năm 1999) được tách ra để quy định ở hai khung hình phạt khác nhau trong khoản 3 và khoản 4 của Điều 357 Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ. Đồng thời cụ thể hóa các tình tiết định khung tăng nặng này và quy định mức hình phạt phù hợp cho mỗi khung. Cụ thể là gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm (khoản 3); gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm (khoản 4).

3.4. Sửa đổi, bổ sung cấu thành Tội đưa hối lộ và quy định rõ của hối lộ

Điều 15 Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng khuyến nghị các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác để quy định là tội phạm đối với hành vi trực tiếp hoặc qua trung gian hứa hẹn, chào mời đưa cho công chức bất kỳ một lợi ích không chính đáng cho chính bản thân công chức ấy hay cho một người hoặc một tổ chức khác để công chức này làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ. Đồng thời, Công ước cũng quy định rõ “của hối lộ” là bất kỳ lợi ích nào, có thể là lợi ích vật chất hoặc phi vật chất. Trong khi đó, Điều 279 Bộ luật hình sự cũ năm 1999 của Việt Nam về Tội đưa hối lộ chưa mô tả cụ thể hành vi đưa hối lộ. Hơn nữa, Điều luật này cũng như một số điều luật khác quy định “của hối lộ” chỉ bao gồm tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà không bao gồm “lợi ích phi vật chất”.

Để đáp ứng yêu cầu của Công ước, đồng thời để đảm bảo xử lý nghiêm, xử lý sớm hành vi đưa hối lộ, ngay cả khi hứa hẹn đưa hối lộ, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định cụ thể hơn về cấu thành cở bản của Tội đưa hối lộ (Điều 364), đó là:

“Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bầy kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ…”.

Đồng thời, Bộ luật bổ sung của hối lộ là “lợi ích phi vật chất” vào cấu thành cơ bản của Tội nhận hối lộ (Điều 354), Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358), Tội đưa hối lộ (Điều 364), Tội môi giới hối lộ (Điều 365), Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 366).

3.5. Nâng mức phạt tiền, bổ sung hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ là hình phạt chính đối với một số tội phạm

Bộ luật hình sự năm 2015 nâng mức phạt tiền là hình phạt bổ sung từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng lên thành từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong Tội tham ô tài sản (Điều 353), Tội nhận hối lộ (Điều 354), Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); nâng mức hình phạt tiền là hình phạt bổ sung từ 3.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng lên thành từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356), Tội lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357), Tội giả mạo trong công tác (Điều 359). Bởi vì các tội phạm về tham nhũng luôn luôn gắn liền với động cơ vụ lợi nên cần phải xử phạt nghiêm để có tác dụng răn đe, giáo dục, đồng thời đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng.

Bên cạnh đó, để thể hiện chủ trương của Đảng về “giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ đối với các loại tội ít nghiêm trọng…”, trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Bộ luật còn bổ sung hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ là hình phạt chính áp dụng đối với một số tội phạm về tham nhũng như: Tội đưa hối lộ (Điều 364) và Tội môi giới hối lộ (Điều 365).

3.6. Bổ sung một số chính sách mới liên quan đến việc xử lý tội phạm tham nhũng

Một là, để tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, thể hiện thái độ kiên quyết của Nhà nước trong việc xử lý đến cùng tội phạm tham nhũng, Điều 28 Bộ luật hình sự năm 2015 bổ sung trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354.

Theo đó đối với các trường hợp này, bất kể thời điểm nào phát hiện được tội phạm là có thể xử lý.

Hai là, nhằm hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình trên thực tế, góp phần thực hiện chủ trương Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị là giảm hình phạt tử hình, đồng thời khuyến khích người phạm tội tham nhũng khắc phục hậu quả, nộp lại tiền cho Nhà nước và hợp tác với cơ quan có thẩm quyền phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm để hưởng chính sách khoan hồng. Tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” thì sẽ không thi hành án tử hình đối với người bị kết án và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.

✅ Dịch vụ thành lập công ty ⭕ Zluat cung cấp dịch vụ thành lập công ty/ thành lập doanh nghiệp trọn vẹn chuyên nghiệp đến quý khách hàng toàn quốc
✅ Đăng ký giấy phép kinh doanh ⭐ Thủ tục bắt buộc phải thực hiện để cá nhân, tổ chức được phép tiến hành hoạt động kinh doanh của mình
✅ Dịch vụ ly hôn ⭕ Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn ly hôn, chúng tôi tin tưởng rằng có thể hỗ trợ và giúp đỡ bạn
✅ Dịch vụ kế toán ⭐ Với trình độ chuyên môn rất cao về kế toán và thuế sẽ đảm bảo thực hiện báo cáo đúng quy định pháp luật
✅ Dịch vụ kiểm toán ⭕ Đảm bảo cung cấp chất lượng dịch vụ tốt và đưa ra những giải pháp cho doanh nghiệp để tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh hay các hoạt động khác
✅ Dịch vụ làm hộ chiếu ⭕ Giúp bạn rút ngắn thời gian nhận hộ chiếu, hỗ trợ khách hàng các dịch vụ liên quan và cam kết bảo mật thông tin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang