Bộ luật Dân sự năm 2015 được ban hành nhằm tạo cơ chế pháp lý đầy đủ cho việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác của quan hệ pháp luật dân sự, đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật dân sự. Tuy nhiên, BLDS còn có những vấn đề bất cập, vướng mắc gây ra nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Zluat xin gửi đến quý bạn đọc bài viết: “Những bất cập trong bộ luật dân sự 2015”.
1. Mập mờ về xác định lãi suất cho vay
Điều 468 Bộ luật Dân sư 2015 quy định:
1.Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất
Điều 468 BLDS 2015 đã quy định loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20% trong “trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Luật khác ở đây được hiểu là pháp luật chuyên ngành điều chỉnh ở một lĩnh vực cụ thể nào đó. Theo quy định tại Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 và Khoản 2, 3 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất. Chỉ trong điều kiện đặc biệt cần có sự can thiệp của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước mới quy định cơ chế xác định lãi suất trong quan hệ giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Cơ chế xác định lãi suất này có thể bao gồm trần lãi suất cho vay trong quan hệ cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng. Như vậy, BLDS 2015 đã loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20%/năm đối với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, lúc đó pháp luật về tín dụng, ngân hàng sẽ cho phép các bên trong quan hệ tín dụng là tổ chức tín dụng và khách hàng được tự thoả thuận.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng) quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật…”. Có nghĩa là việc xác định lãi suất trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng là theo cơ chế thoả thuận nhưng lại kèm theo cụm từ “theo quy định của pháp luật”. Việc này sẽ làm cho các tổ chức tín dụng, khách hàng có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng và các cơ quan chức năng thực thi pháp luật lúng túng không biết áp dụng theo pháp luật về tín dụng ngân hàng (không áp dụng trần lãi suất cho vay) hay theo pháp luật dân sự (áp dụng trần lãi suất cho vay). Do đó, cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn về việc áp dụng lãi suất này. Cụ thể, cần bỏ cụm từ “theo quy định của pháp luật” tại Khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 nhằm phù hợp hơn với các quy định tại Bộ luật dân sự 2015.
2. Vướng mắc về quy định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (giao dịch bảo đảm, thế chấp bằng tài sản của người thứ ba)
BLDS 2015 quy định bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản trở thành biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và áp dụng quy định chung về hình thức hợp đồng (riêng hình thức bảo đảm bằng tín chấp được giữ lại). Trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay đó là chưa có cách hiểu thống nhất về việc thế chấp, cầm cố tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho người khác.
Hiện nay, có nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp xác lập các biện pháp thế chấp, cầm cố tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho người khác. Theo đó, có tổ chức tín dụng thì đồng ý xác lập giao dịch bảo đảm này, có tổ chức thì không; trong quá trình giải quyết tranh chấp của ngành Tòa án cũng có 02 quan điểm: quan điểm thứ nhất, chấp nhận giao dịch bảo đảm dưới dạng cầm cố, thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ dân sự cho người khác; quan điểm thứ hai, không chấp nhận giao dịch bảo đảm thế chấp, cầm cố mà coi là bảo đảm bằng biện pháp bảo lãnh. Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP chưa có quy định hướng dẫn chi tiết về việc các bên có quyền xác lập biện pháp cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác. Điều này đã gây khó khăn và những rủi ro pháp lý cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác.
Do đó, cần quy định cụ thể các quyền tài sản thông thường được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cũng như có hướng dẫn cụ thể về tài sản hình thành trong tương lai, bao gồm: tài sản chưa hình thành và tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch. Đồng thời, hướng dẫn cho các cơ quan thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm, tổ chức công chứng theo hướng: Khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành của Khoản 2 Điều 294 BLDS 2015 thì các bên tham gia giao dịch không phải ký kết lại hợp đồng bảo đảm, công chứng, chứng thực hợp đồng bảo đảm hoặc đăng ký biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó.
3. Xác định hợp đồng vô hiệu trong trường hợp đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch
Khoản 1, Điều 129 BLDS 2015 quy định: “…Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây: Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó…“
Tuy nhiên một số pháp luật chuyên ngành đặt ra yêu cầu hợp đồng phải có một số nội dung bắt buộc. Ví dụ như, Điều 141 của Luật Xây dựng năm 2014 quy định hợp đồng xây dựng phải có các nội dung như: Nội dung và khối lượng công việc; chất lượng, yêu cầu kỹ thuật của công việc, nghiệm thu và bàn giao; thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng; giá hợp đồng, tạm ứng, đồng tiền sử dụng trong thanh toán và thanh toán hợp đồng xây dựng. Tương tự, Luật Kinh doanh bất động sản tại Điều 18 quy định hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà hay công trình xây dựng phải có những nội dung bắt buộc theo quy định. Như vậy Bộ luật Dân sự 2015 đã đưa quy định bắt buộc phải lập thành văn bản vào làm điều kiện có hiệu lực, tuy nhiên việc xác định hợp đồng vô hiệu trong trường hợp lập văn bản không đúng quy định thì việc xác định hai phần ba nghĩa vụ cũng là rất khó với hợp đồng có những nghĩa vụ không phân chia được theo phần hoặc danh sách các nghĩa vụ mà hợp đồng nêu chỉ mang tính chất liệt kê và là danh sách mở.
4. Lấn cấn trong quy định về pháp nhân và không pháp nhân
BLDS 2015 quy định về pháp nhân (pháp nhân chỉ có 2 loại là pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại, còn hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, Văn phòng luật sư và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thì không phải là chủ thể tham gia quan hệ dân sự) cũng như quy định đối tượng giao dịch dân sự chỉ là cá nhân và pháp nhân cũng đang gây khó khăn cho nhiều tổ chức. Cụ thể:
Ngân hàng Nhà nước buộc các hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư… phải chuyển tài khoản sang tài khoản cá nhân, nếu không sẽ bị đóng tài khoản tại ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước giải thích rằng việc yêu cầu các chủ thể trên phải thay đổi tên tài khoản là để phù hợp với Thông tư 32/2016/TT-NHNN ngày 12/2/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2016/TT-NHNN ngày 26/12/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Tuy nhiên lại có quan điểm cho rằng không chỉ có BLDS 2015 quy định về chủ thể và giao dịch dân sự. Có nhiều chủ thể (thực thể pháp lý) không phải là pháp nhân nhưng cũng không đơn thuần là một cá nhân mà là một tổ chức, gồm tập hợp một hoặc một số cá nhân. Chẳng hạn Văn phòng luật sư theo Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012); hộ gia đình theo Luật Đất đai năm 2013; Doanh nghiệp tư nhân theo Luật Doanh nghiệp năm 2014; hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp năm 2014. Nếu ngân hàng không cho doanh nghiệp tư nhân giao dịch tài khoản thì gần như đồng nghĩa với việc phải xóa bỏ các doanh nghiệp tư nhân và nhiều thực thể pháp lý khác. Trong khi đó, chúng ta đều đã biết chủ thể pháp luật đã, đang và bao giờ cũng tồn tại dưới hai hình thức là cá nhân và tổ chức, trong đó tổ chức có thể có hoặc không có tư cách pháp nhân. Một doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ, nhưng có mục tiêu và chức năng chuyên biệt, có bộ máy quản trị độc lập, có hàng trăm nhân sự là quản lý và lao động, có vốn và tài sản gắn với hoạt động kinh doanh và được hạch toán riêng mà không phải tài sản dân sinh, lại được đăng ký theo đúng trình tự của Luật Doanh nghiệp, thì doanh nghiệp đó có năng lực chủ thể pháp luật hay không? Về lý thuyết, việc công nhận ai đó là chủ thể pháp luật chính là nhằm mục đích xác định việc người đó có quyền và nghĩa vụ riêng trong quan hệ với bên thứ ba hay không, để tránh nhầm lẫn và nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bên này.
5. Dịch vụ tư vấn luật Zluat
Trên đây là thông tin về Những bất cập trong bộ luật dân sự 2015 mà Công ty Luật Zluat gửi đến quý bạn đọc tham khảo. Nếu cần cung cấp thêm thông tin chi tiết quy định về dân sự, quý khách vui lòng truy cập trang web: https://accgroup.vn để được trao đổi cụ thể.
- Giấy đơn Ly hôn Đơn phương kèm hướng dẫn Ly hôn Đơn phương tại Cao Nhân, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Giấy hiện nay, thanh toán Online, điều mẫu, gửi đơn và giải quyết nhanh. Luật sư Lâm Hoàng Quân tư vấn, giá chỉ khoảng 90,000 đồng.
- Mẫu đơn LY HÔN ĐỒNG THUẬN và ĐƠN PHƯƠNG tại Phường Ngã Tư Sở, Quận Đống Đa, Hà Nội, chỉ từ 50.000 đồng, thanh toán ONLINE, TẢI VỀ và đi nộp tòa NGAY – Luật sư Đặng Khoa Nam.
- Hồ sơ đơn Ly hôn Thuận tình kèm hướng dẫn Ly hôn Thuận tình tại Văn Thành, Yên Thành, Nghệ An. Hồ sơ đang có hiệu lực, mua tại website, điền thông tin, nộp Toà án và có kết quả. Luật sư Trịnh Văn Long hướng dẫn, giá khoảng 50,000 đồng.
- Hồ sơ thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất.
- Mẫu đơn LY HÔN ĐỒNG THUẬN và ĐƠN PHƯƠNG tại Phường Đô Vinh, Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận, chỉ từ 60.000 đồng, thanh toán ONLINE, TẢI VỀ và đi nộp tòa NGAY – Luật sư Zluat.