Aluat.vn | Thủ tục lập di chúc tại Ủy ban nhân dân xã như thế nào 2023?.

Tóm tắt câu hỏi:

Ông tôi nay tuổi đã già, ông muốn lập di chúc để lại di sản cho con cháu, chỉ định người quản lý di sản, người thờ cúng khi ông nhắm mắt xuôi tay. Với mong muốn như thế, ông có  nhờ một anh làm tư pháp xã làm di chúc cho ông tôi, anh đó bảo ông ra UBND xã để lập di chúc đó. Tuy nhiên, có người bảo rằng lại nói là xã không được chứng thực hay lập di chúc, ở đấy chỉ chứng thực giấy tờ pháp lý, di chúc bản chất là một giao dịch dân sự phải ra văn phòng công chức mới có thể đảm bảo tính hợp pháp của di chúc. Mong luật sư giúp tôi, ủy ban nhân dân  xã có được chứng thực hay lập di chúc không?

Trả lời:

1. Di chúc là gì? Di chúc có mấy hình thức?

Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di chúc như sau :“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân toàn quyền quyết định nội dung di chúc trong dưới hạn không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức của xã hội.

Có 2 hình thức lập di chúc: di chúc được lập bằng văn bản  và di chúc miệng. Trong đó di chúc lập bằng văn bản có nhiều loại như sau:

(1)  Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

(2)  Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

(3)  Di chúc bằng văn bản có công chứng,

(4)  Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Di chúc là một loại giao dịch dân sự trọng hình thức. Bởi vì di chúc là sự định đoạt của cá nhân sau khi chết. Thời điểm di chúc  được thực hiện là thời điểm người lập di chúc đã chết. Vì vậy, pháp luật quy định chặt chẽ hình thức của di chúc để tránh tình trạng làm giả di chúc, người khác thêm hoặc bớt nội dung của di chúc  làm cho di chúc không còn là ý chí của người chết.

Như vậy, di chúc hoàn toàn có thể viết tay nội dung bản di chúc và tự ký. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hợp pháp cao nhất của di chúc thì sau khi lập nên thực hiện việc lập di chúc tại văn phòng công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Sau đây là thủ tục lập di chúc tại ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn

2. Thủ tục thực hiện lập di chúc tại ủy ban nhân dân xã:

Căn cứ Điều 636 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, việc chứng thực di chúc ở UBND cấp xã thường được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:

– Giấy tờ tùy thân của người yêu cầu chứng thực còn hiệu lực (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu,….);

– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận đăng ký xe; Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất, các loại giấy tờ khác về nhà ở (bản chính kèm bản sao); Giấy phép mua bán, chuyển dịch nhà cửa – hợp thức hóa do UBND quận/huyện cấp có xác nhận của Phòng thuế trước bạ và thổ trạch; Văn tự bán nhà được UBND chứng nhận (nếu có); Biên lai thu thuế nhà đất (nếu có); Giấy tờ về tài sản khác (Sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, giấy xác nhận của ngân hàng mở tài khoản, giấy đăng ký xe ô tô, cổ phiếu, …

– Ngoài ra, để thuận tiện cho việc kiểm tra, đối chiếu thông tin của người nhận tài sản trong di chúc tại Ủy ban nhân dân xã, bạn cũng nên chuẩn bị thêm:

+ Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn hiệu lực của người nhận tài sản thừa kế;

+ Sổ hộ khẩu/Sổ tạm trú/Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của người để lại di sản thừa kế và người thừa kế;

Lưu ý: Người để lại di sản thừa kế phải là người trực tiếp yêu cầu chứng thực di chúc mà không được ủy quyền cho người khác.

Bước 2: Thực hiện chứng thực di chúc

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tới UBND cấp xã bất kỳ (thường là UBND cấp xã thuận tiện cho việc chứng thực) để yêu cầu chứng thực.

Tại đây, người thực hiện chứng thực (Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn) thực hiện các công việc theo thứ tự sau:

 Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc với người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố.

– Kiểm tra, đối chiếu giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực di chúc; kiểm tra sự tự nguyện, minh mẫn và nhận thức, làm chủ được hành vi của người yêu cầu chứng thực di chúc tại thời điểm yêu cầu chứng thực. Người thực hiện chứng thực chỉ chứng thực di chúc khi kiểm tra các nội dung trên có kết quả đầy đủ, hợp lệ, đúng quy định pháp luật;

– Người lập di chúc phải thực hiện ký tên vào di chúc trước mặt người thực hiện chứng thực (nếu di chúc có nhiều trang thì người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào từng trang) sau khi nghe, đọc lại và xác nhận nội dung của bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Trường hợp người yêu cầu chứng thực di chúc không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 (hai) người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch;

Lưu ý: Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

– Người thực hiện chứng thực ghi lời chứng tương ứng theo mẫu quy định cho di chúc của bạn.

Bước 3: Trả kết quả

Sau khi ghi lời chứng và ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của UBND cấp xã thực hiện chứng thực, người thực hiện chứng thực trả kết quả là di chúc đã được chứng thực. Đối với những việc chứng thực tiếp nhận sau 15 giờ mà cơ quan thực hiện chứng thực không thể giải quyết và trả kết quả ngay trong ngày hoặc phải kéo dài thời hạn giải quyết theo quy định tại các điều 21, 33 và 37 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc và chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (sau đây gọi là Nghị định số 23/2015/NĐ-CP), thì người tiếp nhận hồ sơ phải có phiếu hẹn ghi rõ thời gian (giờ, ngày) trả kết quả cho người yêu cầu chứng thực theo quy định của pháp luật.

3. Giải quyết vấn đề

Thứ nhất, về di chúc hợp pháp:

Theo Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về di chúc hợp pháp như sau:

“1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt  trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc

 3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

Như vậy, bản di chúc của ông bạn sẽ được coi là hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện về nội dung và hình thức đã nêu trên, không nhất thiết phải lập di chúc tại văn phòng công chứng mới là di chúc hợp pháp. Ông bạn vẫn có thể viết tay và ký vào bản di chúc. Pháp luật không phân biệt giá trị pháp lý di chúc viết tay với di chúc được công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, ưu điểm của di chúc được chứng  là dễ dàng chứng minh tính hợp pháp của loại di chúc này.

Thứ hai, về thẩm quyền trách nhiệm chứng thực và lập di chúc của UBND xã.

Tại khoản 2 điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã. Theo quy định này thì nếu trong trường hợp ông bạn viết di chúc thì nội dung và hình thức di chúc đảm bảo thì bạn hoàn toàn có thể chứng thực tại ủy ban nhân dân.

Di chúc được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực được coi là chứng cứ công nhận đúng người để lại di sản đã lập di chúc và những điều viết trong di chúc là thể hiện ý chí của người để lại di sản. Di chúc được chứng thực dễ dàng chứng minh tính hợp pháp của loại di chúc hơn so với những hình thức di chúc khác.

Nếu ông bạn có nhu cầu lập di chúc tại ủy bản nhân dân xã, ông có thể chuẩn bị các hồ sơ và thực hiện các bước ở bài viết này.

Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc của Quý khách hành về Thủ tục lập di chúc tại UBND cấp xã, phường, thị trấn”. Để biết thêm thông tin chi tiết và tư vấn về vấn đề này, Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng và tư vấn chi tiết nhé!

✅ Dịch vụ thành lập công ty ⭕ Zluat cung cấp dịch vụ thành lập công ty/ thành lập doanh nghiệp trọn vẹn chuyên nghiệp đến quý khách hàng toàn quốc
✅ Đăng ký giấy phép kinh doanh ⭐ Thủ tục bắt buộc phải thực hiện để cá nhân, tổ chức được phép tiến hành hoạt động kinh doanh của mình
✅ Dịch vụ ly hôn ⭕ Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn ly hôn, chúng tôi tin tưởng rằng có thể hỗ trợ và giúp đỡ bạn
✅ Dịch vụ kế toán ⭐ Với trình độ chuyên môn rất cao về kế toán và thuế sẽ đảm bảo thực hiện báo cáo đúng quy định pháp luật
✅ Dịch vụ kiểm toán ⭕ Đảm bảo cung cấp chất lượng dịch vụ tốt và đưa ra những giải pháp cho doanh nghiệp để tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh hay các hoạt động khác
✅ Dịch vụ làm hộ chiếu ⭕ Giúp bạn rút ngắn thời gian nhận hộ chiếu, hỗ trợ khách hàng các dịch vụ liên quan và cam kết bảo mật thông tin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *