Hồ sơ đề nghị phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản bao gồm những gì?.

Hồ sơ đề nghị phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản gồm những gì? Việc tổ chức thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản được quy định ra sao? Hãy cùng Zluat tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Hồ sơ đề nghị phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản bao gồm những gì?

Tổ chức khai thác khoáng sản phải lập đề án đóng cửa mỏ khi nào?

Theo Điều 73 Luật Khoáng sản 2010 quy định về việc đóng cửa mỏ khoáng sản như sau:

Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lập đề án đóng cửa mỏ đối với toàn bộ hoặc một phần diện tích khai thác khoáng sản trong các trường hợp sau đây:

– Đã khai thác hết toàn bộ hoặc một phần trữ lượng;

– Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực nhưng chưa khai thác hết trữ lượng khoáng sản trong khu vực khai thác khoáng sản.

Hồ sơ đề nghị phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản bao gồm những gì?

Căn cứ theo Điều 56 Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản cụ thể như sau:

Thành phần hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quy định tại Điều 73 Luật khoáng sản bao gồm:

– Đơn đề nghị phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản;

– Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản;

– Bản đồ hiện trạng khu vực đóng cửa mỏ khoáng sản;

– Các văn bản chứng minh thực hiện nghĩa vụ liên quan đến khai thác khoáng sản tính đến thời điểm đóng cửa mỏ khoáng sản.

Văn bản trong hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quy định trên đây được lập thành 01 bộ, theo hình thức sau:

– Bản chính: Đơn đề nghị phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; bản đồ hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản tại thời điểm đề nghị đóng cửa mỏ; báo cáo tình hình thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường đến thời điểm đóng cửa mỏ;

– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu: Giấy phép khai thác khoáng sản; phương án cải tạo, phục hồi môi trường, kèm theo quyết định phê duyệt; các văn bản chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, đ, e và điểm g khoản 2 Điều 55 Luật Khoáng sản 2010 tính đến thời điểm đề nghị đóng cửa mỏ.

Trình tự, thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản

Bước 1: Nộp hồ sơ

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xin Đóng cửa mỏ khoáng sản đến trực tiếp Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc tìm hiểu qua Cổng thông tin điện tử để được hướng dẫn làm hồ sơ đúng quy định.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Tiếp nhận Hồ sơ trực tiếp hoặc gửi theo đường bưu điện gửi về Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra văn bản, tài liệu có trong hồ sơ. Trường hợp văn bản, tài liệu theo đúng quy định thì Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản tiếp nhận hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ văn bản, tài liệu theo quy định hoặc đủ nhưng nội dung văn bản, tài liệu trong hồ sơ chưa đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật thì Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Bước 3: Thẩm định hồ sơ đóng cửa mỏ

– Trong thời gian không quá 28 ngày làm việc, kể từ ngày có văn bản tiếp nhận, Sở Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành việc: xem xét hồ sơ; tổ chức kiểm tra tại thực địa; lấy ý kiến nhận xét, phản biện của các chuyên gia về đề án đóng cửa mỏ khoáng sản.

Trong thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan và tổ chức, cá nhân được gửi lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về các vấn đề có liên quan.

– Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến nhận xét, phản biện của các chuyên gia, cơ quan tiếp nhận hồ sơ tổng hợp ý kiến góp ý, lập tờ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

– Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, Chủ tịch Hội đồng phải tổ chức phiên họp Hội đồng.

– Trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên họp của Hội đồng thẩm định, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành biên bản họp Hội đồng thẩm định. Trường hợp phải bổ sung, hiệu chỉnh để hoàn thiện đề án hoặc phải lập lại đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường gửi văn bản thông báo nêu rõ lý do chưa thông qua đề án hoặc những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện đề án kèm theo bản sao biên bản họp Hội đồng thẩm định.

Thời gian tổ chức, cá nhân đề nghị đóng cửa mỏ khoáng sản bổ sung, hoàn thiện hoặc lập lại đề án không tính vào thời gian thẩm định.

Bước 4: Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định đóng cửa mỏ

Trường hợp đề án đóng cửa mỏ khoáng sản được thông qua, trong thời gian không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành biên bản họp Hội đồng thẩm định, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh và trình hồ sơ phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản cho Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ.

Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của Sở Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản.

Bước 5: Nhận và trả kết quả

Trong thời gian không quá 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị đóng cửa mỏ khoáng sản để nhận kết quả và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan theo quy định.

Trên đây là toàn bộ quy định của pháp luật về Hồ sơ đề nghị phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản bao gồm những gì? Zluat xin gửi đến quý bạn đọc. Trường hợp có các thắc mắc cần giải đáp liên quan đến pháp luật quý bạn đọc có thể liên hệ Zluat để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư Lâm Hoàng QuânLuật sư Trịnh Văn Long và các Luật sư có kinh nghiệm khác.

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *