Làm gì khi đã đặt cọc mua đất nhưng bị phong toả, kê biên để thi hành án?.

(Zluat) – Do không tìm hiểu kỹ nên mới đây mẹ tôi đã đặt cọc 500.000.000 đồng mua một thửa đất có diện tích 300 m2. Hợp đồng đặt cọc chỉ được hai bên thực hiện bằng giấy viết tay, nên sau đó ít ngày mẹ tôi mới biết thửa đất đó đang được định giá để thi hành án và thửa đất không thể giao dịch. Mẹ tôi phải làm thế nào để lấy lại tiền đặt cọc? Bạn đọc H.A. (Thái Bình) có hỏi.

  Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết, một thửa đất muốn đưa vào thực hiện các giao dịch chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 gồm: Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai; Đất không có tranh chấp; Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; Trong thời hạn sử dụng đất. Nếu vi phạm một trong các điều kiện trên thì thửa đất sẽ không đủ điều kiện để thực hiện các giao dịch theo quy định pháp luật.

Theo thông tin mà bạn cung cấp, thửa đất có diện tích 300m2 hiện đang bị kê biên để thi hành án nên theo quy định pháp luật thì thửa đất này không được phép thực hiện các giao dịch, trong đó có giao dịch chuyển nhượng. Theo đó, hợp đồng đặt cọc bằng giấy viết tay giữa mẹ bạn với bên bán sẽ bị vô hiệu theo Điều 117 và Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2015 do mục đích và nội dung của hợp đồng đặt cọc vi phạm điều cấm của luật. Khi đó, bên bán sẽ phải hoàn trả cho mẹ bạn số tiền đã đặt cọc theo Hợp đồng đặt cọc là 500.000.000 đồng theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Để lấy lại số tiền đặt cọc 500.000.000 đồng thì trước tiên mẹ bạn phải đàm phán, thỏa thuận để yêu cầu bên bán phải trả lại số tiền 500.000.000 đồng do thửa đất có diện tích 300m2 không được phép thực hiện giao dịch chuyển nhượng. Nếu bên bán cố tình không trả lại số tiền trên thì mẹ bạn có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng đặt cọc vô hiệu do vi phạm về mục đích và nội dung của hợp đồng, khi đó hai bên sẽ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và bên bán phải bồi thường cho mẹ bạn một khoản tiền thiệt hại phát sinh.

Tuy nhiên, khi khởi kiện tại Tòa án thì mẹ bạn cần phải thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ chứng minh thửa đất trên hiện đang bị phong tỏa, kê biên theo quy định của pháp luật và các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc thực hiện hợp đồng đặt cọc giữa hai bên như: Các văn bản liên quan đến thi hành án; Hợp đồng đặt cọc bản gốc; giấy nhận tiền;…

Qua trường hợp trên, Luật sư Tuấn lưu ý rằng trước mua đất thì phải kiểm tra thật kỹ về tình trạng pháp lý của thửa đất đó để tránh được những rủi ro đáng tiếc và hậu quả pháp lý rắc rối sau này.

YÊN NHI 

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân khi vi phạm quy định phòng chống dịch

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *