Khi nào được nhập hoặc tách vụ án?.

(Zluat) – Tùy vào từng trường hợp mà Tòa án, cơ quan có thẩm quyền quyết định về việc nhập hoặc tách những vụ án để thuận lợi cho việc xét xử.

Ảnh minh họa. 

Đối với nhập hoặc tách vụ án dân sự

Theo quy định tại Điều 42 về nhập hoặc tách vụ án Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhập vụ án dân sự trong trường hợp:

(i) Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật;

(ii) Vụ án có nhiều người yêu cầu khởi kiện cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì Tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết.

Bên cạnh đó, Tòa án tách một vụ án dân sự thành hai hoặc nhiều vụ án nếu việc tách và việc giải quyết các vụ án được tách bảo đảm đúng pháp luật.

Đối với nhập hoặc tách vụ án hình sự

– Giai đoạn tiến hành điều tra

Theo quy định tại Điều 170 về nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:

(i) Bị can phạm nhiều tội;

(ii) Bị can phạm tội nhiều lần;

(iii) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.

Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.

– Nhập hoặc tách vụ án trong giai đoạn truy tố

Theo quy định tại Điều 242 về nhập hoặc tách vụ án trong giai đoạn truy tố Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Viện kiểm sát quyết định nhập vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:

(i) Bị can phạm nhiều tội;

(ii) Bị can phạm tội nhiều lần;

(iii) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.

Viện kiểm sát quyết định tách vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây nếu xét thấy việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can:

(i) Bị can bỏ trốn;

(ii) Bị can mắc bệnh hiểm nghèo;

(iii) Bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Đối với nhập hoặc tách vụ án hành chính

Điều 35 về nhập hoặc tách vụ án hành chính Bộ luật Tố tụng hành chính 2015 quy định Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án thành một vụ án để giải quyết bằng một vụ án hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây:

(i) Các vụ án thụ lý riêng biệt chỉ có một người khởi kiện đối với nhiều quyết định hành chính, hành vi hành chính đều do một cơ quan, tổ chức hoặc một người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức ban hành, thực hiện và có mối liên hệ mật thiết với nhau hoặc các vụ án thụ lý riêng biệt có nhiều người khởi kiện đối với cùng một quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính;

(ii) Phải bảo đảm việc xét xử được nhanh chóng, hiệu quả, triệt để và không vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử.

Tòa án tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án hành chính khác nhau để giải quyết trong trường hợp quyết định hành chính bị khởi kiện liên quan đến nhiều người khởi kiện và quyền lợi, nghĩa vụ của những người khởi kiện đó không liên quan với nhau.

Khi nhập hoặc tách vụ án quy định, Tòa án đã thụ lý vụ án phải ra quyết định và gửi ngay cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp.

LINH CHI

Khoản chi phí cách ly y tế nào phải tự chi trả?

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *