Không giống như thực phẩm thông thường, rượu thuộc nhóm sản phẩm kinh doanh có điều kiện do đó mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bán buôn rượu đều phải được sự cho phép của cơ quan chức năng. Theo đó, nếu doanh nghiệp mua rượu từ các cơ sở sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để bán lại cho đơn vị khác thì bắt buộc phải có Giấy phép bán buôn rượu. Vậy giấy phép bán buôn rượu là gì ? Thủ tục xin giấy phép được tiến hành ra sao ? Zluat sẽ giúp doanh nghiệp giải đáp trọn vẹn thắc mắc này thông qua bài viết sau.
Giấy phép bán buôn rượu là gì ?
Giấy phép bán buôn rượu là một loại giấy phép được cấp bởi Sở Công Thương xét duyệt và cho phép doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh rượu tại Việt Nam. Nếu như chưa được cấp giấy phép mà đã tiến hành kinh doanh bán buôn rượu, doanh nghiệp có thể bị xử phạt rất nặng theo quy định của pháp luật.
Điều kiện bán buôn rượu là gì?
+ Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của phập luật;
+ Có quyền sử dụng hợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với tổng diện tích sàn sử dụng từ 50 m2 trở lên;
+ Rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định;
+ Có hệ thống bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi thương nhân đặt trụ sở chính với ít nhất 03 thương nhân bán lẻ rượu;
+ Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu khác;
+ Bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định.
Sau khi được cấp giấy phép bán buôn rượu, doanh nghiệp được phép:
– Mua rượu từ thương nhân sản xuất rượu trong nước, thương nhân phân phối rượu, thương nhân bán buôn rượu khác theo phạm vi ghi trong giấy phép.
– Bán rượu cho thương nhân bán buôn rượu, thương nhân bán lẻ rượu, thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ trên phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được cấp phép.
– Bán rượu cho thương nhân mua rượu để xuất khẩu.
– Trực tiếp bán lẻ rượu tại các địa điểm kinh doanh trên phạm vi địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được cấp phép.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán buôn rượu
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán buôn rượu bao gồm:
1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép bán buôn rượu theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 105/2017/NĐ-CP;
2. Bản sao Giấy, chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương;
3. Bản sao hợp đồng thuê/mượn hoặc tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp cơ sở dự kiến làm kho hàng, địa điểm bán lẻ rượu và bán rượu tiêu, dùng tại chỗ (nếu có kinh doanh) theo quy định;
4. Bản sao Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật) của các sản phẩm rượu dự kiến kinh doanh;
5. Bản sao hợp đồng nguyên tắc, thư xác nhận hoặc bản cam kết tham gia hệ thống bán buôn của các thương nhân bán lẻ; bản sao Giấy phép bán lẻ rượu của các thương nhân dự kiến tham gia hệ thống bán buôn của doanh nghiệp xin cấp phép;
6. Tài liệu liên quan đến nhà cung cấp rượu: bao gồm Bản sao các văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất trong nước, thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn khác, trong đó ghi rõ các loại rượu dự kiến kinh doanh phù hợp với hoạt động của thương nhân sản xuất, thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn khác; và Bản sao Giấy phép sản xuất rượu, Giấy phép phân phối hoặc Giấy phép bán buôn rượu của các nhà cung cấp rượu;
7. Bản cam kết do thương nhân tự lập, trong đó nêu rõ nội dung thương nhân bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và kho hàng.
Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép bán buôn rượu
Doanh nghiệp bán buôn rượu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán buôn rượu trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) cho Sở Công Thương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công Thương xem xét, thẩm định và cấp giấy phép cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 03 ngày, làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung.
Trên đây là toàn bộ quy định của pháp luật về Thủ tục cấp Giấy phép bán buôn rượu năm 2023 Zluat xin gửi đến quý bạn đọc. Trường hợp có các thắc mắc cần giải đáp liên quan đến pháp luật quý bạn đọc có thể liên hệ Zluat để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư Lâm Hoàng Quân, Luật sư Trịnh Văn Long và các Luật sư có kinh nghiệm khác.