Bán hàng xách tay có hợp pháp không ?.

Bán hàng xách tay là xu hướng kinh doanh rất phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, không ít người bán vẫn rất mơ hồ về tính pháp lý của chính hàng hóa do mình bán ra. Theo dõi bài viết dưới đây của Zluat để giải đáp thắc mắc Bán hàng xách tay có hợp pháp hay không.

bán hàng xách tay

Hàng xách tay là gì ?

Hàng xách tay là những mặt hàng công ty hay hàng chính hãng do các cá nhân nào đó mua trực tiếp từ nước ngoài mang về Việt Nam qua đường hàng không.

Thông thường hàng xách tay có thể đến từ nhiều nguồn như: Người đi du lịch, công tác mua tại những cửa hàng hay siêu thị nước ngoài xách tay; Du học sinh du học tại các nước hay Tiếp viên hàng không mua tại các siêu thị, công ty, store bên nước ngoài hoặc nhập trực tiếp từ chính hãng với số lượng lớn mang về.

Đặc điểm của loại hàng này là không hề bị chịu bất cứ các khoản thuế nào nên giá thành sẽ rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng trong nước.

Hàng xách tay có phải hàng nhập lậu không

Theo định nghĩa tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020, hàng hóa nhập lậu gồm:

  • Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;
  • Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;
  • Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
  • Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
  • Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Theo đó, nếu hàng xách tay thuộc trong 05 trường hợp nêu trên thì chính là hàng nhập lậu. Người bán hàng xách tay là người thực hiện hành vi buôn lậu.

Bán hàng xách tay thế nào để không phạm pháp

Theo quy định pháp luật, không phải tất cả hàng xách tay đều là hàng hóa nhập lậu. Hàng xách tay không phải hàng nhập lậu khi đảm bảo các điều kiện như:

  • Có hóa đơn chứng từ kèm theo rõ ràng;
  • Không nằm trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
  • Hàng hóa có giấy phép nhập khẩu (đối với hàng nhập khẩu theo giấy phép);
  • Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu đúng quy định;
  • Hàng hóa có dán tem nhập khẩu và đóng thuế đầy đủ theo quy định pháp luật…

Hiện nay, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài thì khi về đến Việt Nam sẽ phải chịu các loại thuế, phí sau:

  • Thuế nhập khẩu;
  • Thuế giá trị gia tăng;
  • Lệ phí hải quan;
  • Một số hàng hóa có thể phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường…

Như vậy, nếu bán hàng xách tay có đủ các điều kiện về nhập khẩu, tem mác, giấy tờ và đóng đủ các loại thuế, phí theo quy định sẽ không phải bán hàng nhập lậu và không bị xử phạt.

Bán hàng xách tay nhập lậu bị phạt bao nhiêu ?

Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, hành vi bán hàng xách tay nhập lậu có thể bị xử phạt như sau:

STT Giá trị của hàng hóa nhập lậu Mức phạt
1 Dưới 03 triệu đồng 500.000 – 01 triệu đồng
2 03 – dưới 05 triệu đồng 01 – 02 triệu đồng
3 05 – dưới 10 triệu đồng 02 – 04 triệu đồng
4 10 – dưới 20 triệu đồng 04 – 06 triệu đồng
5 20 – dưới 30 triệu đồng 06 – 10 triệu đồng
6 30 – dưới 50 triệu đồng 10 – 20 triệu đồng
7 50 – dưới 70 triệu đồng 20 – 30 triệu đồng
8 70 – dưới 100 triệu đồng 30 – 40 triệu đồng
9 Trên 100 triệu đồng 40 – 50 triệu đồng

Đặc biệt, phạt tiền gấp 02 lần bảng nêu trên đối với:

  • Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;
  • Hàng nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn…

Trường hợp người vi phạm là tổ chức, mức phạt sẽ gấp 02 lần mức vi phạm trên.

Như vậy, Zluat đã giải đáp thắc mắc của các bạn về Bán hàng xách tay có hợp pháp không. Trong trường hợp quý khách có bất kỳ các vấn đề nào gặp khó khăn đừng ngần ngại liên hệ Zluat để được hỗ trợ trực tiếp bởi Luật sư Lâm Hoàng Quân, Luật sư Trịnh Văn Long và các Luật sư giàu kinh nghiệp khác.

Điện thoại: 0906.719.947

Gmail: lienhe.luatvn@gmail.com

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *