Xử lý thế nào với hành vi tội ‘Mua bán người’ và ‘Mua bán người dưới 16 tuổi’?.

(Zluat) – Nhận diện thủ đoạn mua bán người thế nào, tội “Mua bán người” và “Mua bán người dưới 16 tuổi” sẽ bị xử lý ra sao theo quy định pháp luật hiện hành?

Ảnh minh họa.

Mua bán người được hiểu thế nào?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, mua bán người là hành vi phạm tội đã xuất hiện từ rất lâu, tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ thông tin và kinh tế xã hội như hiện nay, các thủ đoạn mua bán người lại càng trở nên tinh vi.

Theo quy định tại Điều 2, Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP, mua bán người là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác để:

– Chuyển giao người nhằm nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

– Tiếp nhận người để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

– Chuyển giao người để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

– Tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

Ngoài ra, việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao người thuộc trường hợp nêu trên cũng được xác định là mua bán người.

Ngoài tội phạm mua bán người, Bộ luật Hình sự còn dành riêng một điều luật để quy định về tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi.

Theo đó, mua bán người dưới 16 tuổi được hiểu là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác đối với người dưới 16 tuổi để thực hiện các hành vi trên.

Trong đó, Nghị quyết 02/2019 cũng giải thích rõ:

– Bóc lột tình dục: Là việc chuyển giao nạn nhân cho người khác để thực hiện các hoạt động: Tổ chức cho nạn nhân bán dâm, đưa nạn nhân đến các cơ sở chứa mại dâm để bán dâm, sử dụng nạn nhân để sản xuất ấn phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm, làm nô lệ tình dục… hoặc tiếp nhận nạn nhân để phục vụ nhu cầu tình dục của chính mình.

– Cưỡng bức lao động: Là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc nạn nhân lao động trái ý muốn của họ.

– Vì mục đích vô nhân đạo khác: Là việc sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm, buộc nạn nhân phải đi ăn xin hoặc sử dụng nạn nhân vào các mục đích tàn ác khác…

Nhận diện thủ đoạn của tội phạm mua bán người

Cũng theo Nghị quyết 02/2019, một số thủ đoạn nổi bật được dùng để thực hiện hành vi mua bán người gồm:

– Sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài:

Các đối tượng phạm tội cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài hoặc lợi dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài sau đó thực hiện hành vi mua bán người.

– Sử dụng thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài: Các đối tượng chuyển giao người lao động (từ đủ 16 tuổi trở lên) cho phía nước ngoài bán người lao động cho người khác…

– Sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi.

Theo đó, các đối tượng biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác…

Thực tế các vụ án lừa đảo, mua bán người trong thời gian gần đây cho thấy thủ đoạn được sử dụng phổ biến vẫn là lừa đi tìm việc làm thu nhập cao, đi thăm thân, du lịch hoặc làm quen, giả vờ yêu đương, sau đó đưa nạn nhân lên các tỉnh biên giới rồi bán cho các đối tượng người nước ngoài.

Gần đây, còn xuất nhiện thêm hình thức mua bán phụ nữ mang thai và đưa ra nước ngoài sinh con để bán trẻ sơ sinh… Các đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn của nạn nhân để thực hiện tội phạm.

Đặc biệt, các đối tượng lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội.

Xử lý thế nào?

Mức phạt tội “Mua bán người”

Mức phạt tội “Mua bán người” được quy định cụ thể tại Điều 150, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:

– Khung 01:

Phạt tù từ 05 – 10 năm nếu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác để thực hiện một trong các hành vi:

Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

– Khung 02:

Phạt tù từ 08 – 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

Có tổ chức;

Vì động cơ đê hèn;

Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% – 60%;

Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới;

Đối với từ 02 – 05 người;

Phạm tội 02 lần trở lên.

– Khung 03:

Phạt tù từ 12 – 20 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

Có tính chất chuyên nghiệp;

Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

Đối với 06 người trở lên;

Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 – 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mức phạt tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”

Tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” hiện được quy định tại Điều 151, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, theo đó mức phạt cụ thể như sau:

– Hình phạt chính:

– Khung 01:

Phạt tù từ 07 – 12 năm nếu thực hiện một trong các hành vi:

Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo);

Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi nêu trên.

– Khung 02:

Phạt tiền từ 12 – 20 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội;

Đối với từ 02 – 05 người;

Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Phạm tội 02 lần trở lên;

Vì động cơ đê hèn;

Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% – 60%.

– Khung 03:

Phạt tù từ 18 – 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

Có tổ chức;

Có tính chất chuyên nghiệp;

Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

Đối với 06 người trở lên;

Tái phạm nguy hiểm.

– Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, bị phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

HOÀNG NGUYỄN

Xử lý thế nào với hành vi vận chuyển hàng cấm?

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *