TƯ VẤN MUA BÁN, SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP.

Có thể thấy trong thời gian gần đây, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp được thực hiện khá phổ biến. Bởi lẽ, việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp không chỉ giúp các doanh nghiệp lớn giảm chi phí đầu tư, giúp các doanh nghiệp yếu kém thoát khỏi nguy cơ phá sản mà còn giúp doanh nghiệp mới tạo ra sau mua bán, sáp nhập có đầy đủ các tiềm lực và thuận lợi để phát triển lớn mạnh và đạt được lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Hệ thống pháp luật về hoạt động này tương đối phức tạp khi có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Nhằm cụ thể hóa và giúp các doanh nghiệp hiểu rõ và nắm bắt các thông tin quan trọng về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, Zluat sẽ trình bày dưới bài viết sau.

Luật doanh nghiệp 2020

– Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định ch tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp

– Luật cạnh tranh 2018

– Nghị định 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật cạnh tranh

Mua bán doanh nghiệp hiểu là việc chủ sở hữu doanh nghiệp chuyển nhượng toàn bộ vốn hoặc chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần chi phối cho bên nhận chuyển nhượng, dẫn đến bên nhận chuyển nhượng có quyền sở hữu toàn bộ hoặc một phần doanh nghiệp và kiểm soát được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được mua lại.

Sáp nhập doanh nghiệp được hiểu là việc một hoặc một số công ty (công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

Như vậy về bản chất pháp lý, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp là hai vấn đề khác nhau nhưng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Điểm chung giữ hai hoạt động mua bán, sáp nhập tạo cho doanh nghiệp mới hình thành có giá trị lớn hơn nhiều lần giá trị riêng lẻ của một doanh nghiệp ban đầu. Có thể phân biệt cơ bản về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp theo bảng sau

Tiêu chí

Mua bán doanh nghiệp

Sáp nhập doanh nghiệp

Hình thức thực hiện

Có thể mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp bị mua lại và gộp chung với tài sản của doanh nghiệp mua lại. 

Toàn bộ tài sản của doanh nghiệp bị sáp nhập sẽ được chuyển cho doanh nghiệp nhận sáp nhập. 

Hệ quả pháp lý

– Doanh nghiệp bị mua lại sẽ chấm dứt hoạt động một phần hoặc toàn bộ đối với phần bị mua lại;

– Doanh nghiệp mua lại sẽ được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về những khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của phần đã mua của doanh nghiệp bị mua lại.

– Doanh nghiệp bị sáp nhập sẽ hoàn toàn chấm dứt tồn tại

– Doanh nghiệp nhận sáp nhập sẽ được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, cũng như chịu trách nhiệm về những khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp bị sáp nhập. 

 

Tùy vào tình hình thực tế của doanh nghiệp mà doanh nghiệp sẽ tiến hành thủ tục mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp như gặp khó khăn trong vấn đề tài chính, doanh nghiệp sắp rơi vào tình trạng phá sản,…….

Theo quy định của pháp luật, chỉ có doanh nghiệp tư nhân mới có quyền bán toàn bộ doanh nghiệp do doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp chỉ do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Còn các loại hình công ty cổ phần, công ty TNHH thì việc mua bán doanh nghiệp được thể hiện dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng vốn góp trong công ty. Khi các bên mua bán doanh nghiệp cần lưu ý về tài chính, bao gồm cả đội ngũ nhân viên, khách hàng, thương hiệu,…nhằm đảm bảo khả năng phát triển bền vững sau hoạt động mua bán doanh nghiệp.

Thủ tục mua bán doanh nghiệp

Bước 1: Hai bên đánh giá khả năng, định giá và đàm phán giá mua

Sau khi tìm hiểu và quyết định mua lại, bán lại doanh nghiệp, các bên sẽ tiến hành định giá và đàm phán thỏa thuận với nhau về việc mua lại doanh nghiệp.

Bước 2: Thông báo về việc mua bán doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Doanh nghiệp chuẩn bị một bộ hồ sơ và nộp đến Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Hồ sơ bao gồm các giấy tờ cơ bản sau:

– Thông báo thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân (chủ sở hữu công ty TNHH, thành viên công ty TNHH, cổ đông công ty cổ phần) có chữ ký của người bán và người mua.

– Quyết định của chủ chủ doanh nghiệp tư nhân (chủ sở hữu công ty TNHH, thành viên công ty TNHH, cổ đông công ty cổ phần) về việc mua bán doanh nghiệp.

– Bản sao hợp lệ một trong những giấy tờ chứng thực cán nhân của người mua.

– Hợp đồng mua bán doanh nghiệp/hợp đồng chuyển nhượng vốn góp/ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng.

– Văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp (nếu có).

Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ không hợp lệ, ra văn bản và yêu cầu cập nhật, bổ sung. Nếu hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin thay đổi sau khi mua bán doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Thời hạn xử lý 3-5 ngày làm việc.

Sáp nhập doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cả công ty bị sáp nhập, công ty nhận sáp nhập và các bên liên quan đến các công ty này. Mặt khác, sáp nhập là hình thức tập trung kinh tế. Vì vậy việc sáp nhập doanh nghiệp phải đảm bảo những điều kiện nhất định cũng như không phải tất cả doanh nghiệp có thể tiến hành thực hiện việc sáp nhập. Theo đó:

Lưu ý các trường hợp hạn chế sáp nhập doanh nghiệp:

– Doanh nghiệp nhận sáp nhập có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của công ty thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập, trừ trường hợp Luật Cạnh tranh 2018 có quy định khác.

– Cấm các trường hợp sáp nhập các công ty mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp Luật Cạnh tranh 2018 có quy định khác.

– Một số trường hợp hạn chế sáp nhập khác được quy định tại Điều 30, 31 Luật Cạnh tranh 2018 cụ thể như sau:

+ Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan;

+ Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung kinh tế;

+ Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau;

+ Lợi thế cạnh tranh do tập trung kinh tế mang lại trên thị trường liên quan;

+ Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế tăng giá hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu một cách đáng kể;

+ Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập hoặc mở rộng thị trường;

+Yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.

Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp

Bước 1: Chuẩn bị hợp đồng và dự thảo điều lệ công ty nhận sáp nhập

Hợp đồng sáp nhập phải gồm các nội dung:

– Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập.

– Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty sáp nhập.

– Thủ tục và điều kiện sáp nhập.

– Phương án sử dụng lao động.

– Cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập.

– Thời hạn thực hiện sáp nhập.

Bước 2: Thông qua hợp đồng và điều lệ công ty

Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập và tiến hành đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập theo quy định . Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua.

Bước 3: Tiến hành đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập

Doanh nghiệp nộp một bộ hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Hồ sơ bao gồm:

– Hợp đồng sáp nhập

– Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng sáp nhập.

– Biên bản họp Hội thành viên đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh,  của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thông qua hợp đồng sáp nhập của công ty nhận sáp nhập.

– Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng sáp nhập và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thông qua hợp đồng sáp nhập của công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên, cổ đông sở hữu trên 65% vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hoặc cổ phần có quyền biểu quyết đối với công ty cổ phần của công ty bị sáp nhập.

– Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của các công ty bị hợp nhất.

– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp

– Thông báo về việc bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp

– Danh sách người đại diện theo ủy quyền.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ không hợp lệ, ra văn bản và yêu cầu cập nhật, bổ sung. Nếu hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin về doanh nghiệp sáp nhập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Thời hạn xử lý 3-5 ngày làm việc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *