Hồ sơ giám định bệnh nghề nghiệp cần những giấy tờ gì?.

(Zluat) – Để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp gây nên, người lao động phải thực hiện thủ tục giám định bệnh nghề nghiệp. Vậy, cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào để yêu cầu giám định bệnh nghề nghiệp?

Ảnh minh họa.

 Ai có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị giám định bệnh nghề nghiệp?

Theo Luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 47, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người lao động bị bệnh nghề nghiệp sẽ được giám định mức độ suy giảm khả năng lao động sau khi bệnh tật đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hướng tới sức khỏe.

Trường hợp bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn thì người lao động được làm giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị bệnh đó.

Đối với việc lập hồ sơ đề nghị giám định mức độ suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp gây ra, khoản 3, Điều 11, Thông tư 56/2017/TT-BYT đã quy định:

“Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập, hoàn chỉnh hồ sơ giám định và gửi đến Hội đồng Giám định y khoa đối với các trường hợp sau đây:

a) Không thuộc quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5, Điều này;

b) Người lao động theo quy định tại Điều 47 của Luật an toàn, vệ sinh lao động”.

Như vậy, có thể thấy, việc lập, hoàn chỉnh hồ sơ giám định bệnh nghề nghiệp sẽ do doanh nghiệp thực hiện. Người lao động chỉ cần phối hợp với doanh nghiệp, cung cấp một số giấy tờ để hỗ trợ họ trong quá trình làm hồ sơ.

Hồ sơ khám giám định bệnh nghề nghiệp gồm những gì?

Theo khoản 2, Điều 5, Thông tư 56/2017/TT-BYT, hồ sơ khám giám định bệnh nghề nghiệp bao gồm các giấy tờ sau:

– Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động hoặc giấy đề nghị khám giám định của người lao động:

+ Giấy đề nghị khám giám định của người lao động theo mẫu tại Phụ lục 1 Thông tư 56 áp dụng với trường hợp người lao động được giám định đang thuộc quản lý của doanh nghiệp.

+ Giấy đề nghị khám giám định của người lao động theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư 56 áp dụng với trường hợp người lao động không còn làm nghề, công việc có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp mà phát hiện mắc bệnh nghề nghiệp trong thời gian bảo đảm của bệnh.

– Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Hồ sơ bệnh nghề nghiệp.

– Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp của người lao động có liên quan đến bệnh nghề nghiệp (nếu có).
Trường hợp người lao động mắc bệnh không có khả năng điều trị ổn định: Trong bản tóm tắt hồ sơ bệnh án phải ghi rõ bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định.

– 01 trong các giấy tờ có ảnh:

+ Chứng minh nhân dân.

+ Căn cước công dân.

+ Hộ chiếu.

+ Giấy xác nhận của Công an xã có dán ảnh (đóng giáp lai), cấp trong tối đa 03 tháng tính đến thời điểm đề nghị giám định.

Nộp hồ sơ đề nghị khám giám định bệnh nghề nghiệp ở đâu?

Theo khoản 3, Điều 11, Thông tư 56/2017/TT-BYT đã đề cập ở Mục 1, hồ sơ khám giám định bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động lập sẽ được gửi đến Hội đồng Giám định y khoa.

Cụ thể, tại Quyết định 2968/QĐ-BYT năm 2018, Bộ Y tế đã hướng dẫn nơi tiếp nhận hồ sơ xin giám định bệnh nghề nghiệp là cơ quan thường trực của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh.

Doanh nghiệp có thể nộp trực tiếp hoặc nộp qua bưu điện hồ sơ đề nghị giám định bệnh nghề nghiệp cho Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh.

QUÝ NGUYỄN

Đưa người xuất, nhập cảnh trái phép bị xử lý thế nào?

 

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *