Vi phạm nồng độ cồn rồi bỏ lại phương tiện, bị xử lý như thế nào?.

(Zluat) – Hiện nay, có rất nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn song không ký vào biên bản xử phạt và bỏ lại xe. Vậy, những trường hợp này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Ảnh minh họa.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay lực lượng chức năng các địa phương trên cả nước đang tích cực ra quân rà soát người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn để xử lý, kể cả những cán bộ trong ngành công an, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm lực lượng chức năng vẫn kiên quyết xử lý, thậm chí gửi Thông báo về cơ quan quản lý cán bộ để xử lý kỷ luật cán bộ không tuân thủ quy định pháp luật. Động thái này thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành để người dân khi tham gia giao thông “nói không với việc sử dụng rượu bia”.

Kết quả ban đầu phần lớn người dân đã nâng cao ý thức chấp hành. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý đối phó, bất chấp và khinh nhờn các quy định pháp luật, thách thức và chống đối lực lượng chức năng khi bị xử lý về nồng độ cồn, thậm chí không ít trường hợp “bỏ lại xe” không hợp tác nhằm né tránh bị xử lý.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt 02 – 08 triệu đồng (đối với xe máy) và 06 – 40 triệu đồng (đối với ô tô). Trường hợp người vi phạm cố tình không ký vào biên bản, lực lượng chức năng hoàn toàn có quyền lập hồ sơ, biên bản xử lý nếu chứng minh tài xế không hợp tác. Việc chứng minh thông qua hình ảnh, video clip, mời người làm chứng (đại diện chính quyền địa phương, nhân chứng tại thời điểm đó)… Đặc biệt, nếu tài xế vi phạm nồng độ cồn mà bỏ xe, không ký vào biên bản vi phạm có thể bị phạt tiền 04 – 06 triệu đồng đối với cá nhân, 08 – 12 triệu đồng đối với tổ chức về hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của lực lượng thực thi công vụ theo quy định tại khoản 9, Điều 11, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Từ quy định trên có thể thấy nếu vi phạm nồng độ cồn mà bỏ xe, không ký vào biên bản thì người vi phạm vẫn sẽ bị xử phạt, thậm chí còn bị xử phạt thêm lỗi khác như đã nêu trên.

MINH TRẦN

Bộ Nội vụ chấp thuận đưa vị trí nhân viên y tế học đường về nhóm chuyên môn dùng chung

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *