Đã mua vé vào sân nhưng bị sân vận động đóng cổng không cho vào thì xử lý thế nào?.

(Zluat) – Theo Luật sư, nếu bên mua vé cho rằng, không có quy định về giờ giấc ra vào sân xem bóng đá, không có quy định đến muộn giờ sẽ bị ở ngoài không được vào, thì hoàn toàn có quyền khiếu nại lên bộ phận quản lý để yêu cầu trả lại tiền đã mua vé nhưng không được vào xem. Nếu yêu cầu này không được giải quyết thì người mua vé vẫn có thể đưa tranh chấp này ra Tòa án để giải quyết tranh chấp như giao dịch dân sự thông thường.

Rất đông người hâm mộ đã mua vé để được xem trận đấu, nhưng không được lực lượng bảo vệ cho phép vào cổng. Ảnh: PV.

Ngày 06/8, tại Sân vận động Hàng Đẫy đã diễn ra trận đấu giữa đội Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội và CLB Bóng đá Công an Hà Nội. Trận đấu nhận được sự thu hút đông đảo tới từ người hâm mộ trên địa bàn Thủ đô.

Thời điểm trước khi trận đấu diễn ra, lượng lớn người hâm mộ đã xếp hàng từ bên ngoài Sân vận động Hàng Đẫy để mua vé và chuẩn bị cho trận cầu nóng này. Tuy nhiên, thời điểm trận đấu bắt đầu, sân vận động Hàng Đẫy liền đóng cửa, không cho số khán giả vào xem trận đấu.

Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, hiện nay hoạt động bán vé để vào xem các trận đấu bóng đá là hoạt động được Nhà nước cho phép, việc mua bán vé vào xem là giao dịch dân sự giữa bên bán vé và bên mua vé. Do đó, bất kỳ tranh chấp hoặc bồi thường ra sao sẽ được giải quyết như tranh chấp về giao dịch dân sự thông thường.

Khi mua vé để vào xem các trận đấu người xem phải tìm hiểu quy định vào sân, quy định về giờ mở cửa đón khách, giờ đóng cửa, nếu bên bán đã thông báo và bên mua đã nắm được, thì việc đến giờ đóng cửa bên bán vé thực hiện đóng cửa để tránh những trường hợp không có vé có thể lọt vào xem hoặc để đảm bảo công ác giữ gìn an ninh trật tự. Đây là quyền của bên bán vé, đồng thời là nghĩa vụ của bên mua vé, phải chấp hành về mặt giờ giấc khi mua vé vào xem các trận đấu.

Tuy nhiên, nếu bên mua vé cho rằng, không có quy định về giờ giấc ra vào sân xem bóng đá, không có quy định đến muộn giờ sẽ bị ở ngoài không được vào, thì hoàn toàn có quyền khiếu nại lên bộ phận quản lý để yêu cầu trả lại tiền đã mua vé nhưng không được vào xem, nếu yêu cầu này không được giải quyết thì người mua vé vẫn có thể đưa tranh chấp này ra Tòa án để giải quyết tranh chấp như giao dịch dân sự thông thường.

Hành vi mua bán vé giữa bên bán và bên mua theo quy định tại Điều 116, Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Trường hợp này chiếc vé được xem là một loại hợp đồng dân sự, chiếc vé được bán ra như một loại hợp đồng mà 02 bên đã giao kết, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan khi thực hiện giao dịch mua bán vé cho đến khi các bên hoàn thành nghĩa vụ.

Trường hợp có tranh chấp xảy ra, thì tranh chấp sẽ được điều chỉnh như tranh chấp hợp đồng dân sự quy định tại Điều 385, Bộ luật Dân sự năm 2015: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

PV

Việc xử lý vật chứng, giải quyết về nghĩa vụ dân sự trong vụ chuyến bay giải cứu như thế nào?

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *