Có được kê biên tài sản đang thế chấp tại ngân hàng?.

(Zluat) – Kê biên tài sản là một trong những hoạt động của lĩnh vực thi hành án dân sự. Đối với tài sản đang bị thế chấp tại ngân hàng bị hạn chế một số đặc quyền hoặc giao dịch vì đang phải thực hiện nghĩa vụ tài sản. Vậy, tài sản đang thế chấp tại ngân hàng có được kê biên thi hành án hay không?

Ảnh minh họa.

Thế chấp tài sản là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, khoản 8 Điều 320, Bộ luật Dân sự quy định khi thế chấp tài sản không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5, Điều 321 của Bộ luật này. Cụ thể, khoản 4 và khoản 5, Điều 321, Bộ luật Dân sự nêu rõ, hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh sẽ được:

– Bán, trao đổi, tặng cho nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của Luật.

– Cho thuê, cho mượn nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn và bên nhận thế chấp.

Đồng thời, Điều 90, Luật Thi hành án dân sự quy định trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

Như vậy, có thể thấy rằng, tài sản đang thế chấp tại ngân hàng có thể được sử dụng để kê biên, thi hành án nếu người bị thi hành án không có tài sản khác hoặc tài sản của người này không đủ để thi hành án và giá trị của tài sản thế chấp lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, khi thi hành án tài sản đang thế chấp tại ngân hàng thì ngân hàng phải được Chấp hành viên thông báo ngay về việc kê biên, xử lý thi hành án.

Khi đó, ngân hàng sẽ được ưu tiên thanh toán theo khoản 20, Điều 1, Luật sửa đổi Luật Thi Hành án dân sự năm 2014, nếu ngân hàng không phải là người được thi hành án thì ngân hàng sẽ được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản khác. Cụ thể, khi bán tài sản hoặc xử lý tài sản đang thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền nhận được phải được ưu tiên thanh toán cho ngân hàng sau khi trừ đi án phí của bản án hoặc quyết định đó cùng với chi phí cưỡng chế…

Có thể thấy rằng, trường hợp kê biên tài sản đang thế chấp tại ngân hàng là khá phổ biến. Tuy nhiên, tài sản đang bị cầm cố, thế chấp có những đặc thù riêng, không giống với những tài sản thông thường khác, quá trình xử lý tài sản cũng sẽ có những điểm khác biệt nhưng pháp luật chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là hướng xử lý trong những trường hợp người nhận cầm cố, thế chấp không đồng thuận phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp, dẫn đến các cơ quan thi hành án dân sự gặp nhiều khó khăn khi áp dụng pháp luật.

Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Căn cứ xác định giá dịch vụ viễn thông từ 01/7/2024

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *