Quy định pháp luật về biên chế giáo viên 2022.

Quy định pháp luật về biên chế giáo viên 2022

Biên chế giáo viên, cụm từ quen thuộc của giáo viên. Tuy nhiên, liệu chúng ta đã hiểu rõ những quy định của pháp luật về vấn đề này? Bài viết sau đây Zluat xin được giải đáp thắc mắc của quý bạn đọc về quy định pháp luật biên chế giáo viên năm 2022.

Quy định pháp luật về biên chế giáo viên

Giáo viên là công chức hay viên chức?

Căn cứ theo Điều 2 Luật Viên chức năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2019: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”

Trong khi đó, căn cứ khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019:

“Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”

Qua những quy định trên ta có thể nhận thấy, giáo viên là viên chức và được hưởng các chế độ được quy định về viên chức.

Biên chế giáo viên được quy định như thế nào?

Không giống cán bộ, công chức có chế độ biên chế mà viên chức nói chung và giáo viên nói riêng không có chế độ biên chế. Việc gọi biên chế giáo viên chỉ là cách để mọi người gọi giáo viên là viên chức ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với đơn vị sự nghiệp công lập.

Trước đây chỉ có khoản 2 Điều 2 Nghị định 71/2003/NĐ-CP (đã hết hiệu lực) có đề cập đến biên chế sự nghiệp:

Biên chế sự nghiệp là số người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch viên chức hoặc giao giữ một nhiệm vụ thường xuyên trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước về giáo dục và đào tạo, khoa học, y tế, văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao và các đơn vị sự nghiệp khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập để phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước hoặc để thực hiện một số dịch vụ công của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hiện nay, văn bản này đã hết hiệu lực và văn bản thay thế không còn đề cập đến vấn đề này nữa.

Do đó, căn cứ các quy định trên, có thể hiểu biên chế của giáo viên là chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được ký kết giữa giáo viên là viên chức và đơn vị sự nghiệp công lập.

Và theo quy định hiện nay, không phải giáo viên là viên chức nào cũng được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Đồng nghĩa, không phải giáo viên nào cũng được hưởng “biên chế suốt đời”.

Chế độ biên chế suốt đời của giáo viên?

Hiện nay, giáo viên khi được nhận vào các đơn vị sự nghiệp sẽ được kí một trong hai hợp đồng làm việc. Đó là hợp đồng xác định thời hạn và hợp đồng không xác định thời hạn hay còn gọi là hợp đồng “biên chế suốt đời”.

Để được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn (hưởng biên chế), giáo viên phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Giáo viên đã được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020 nhưng chưa ký hợp đồng không xác định thời hạn thì thực hiện tiếp hợp đồng xác định thời hạn đã ký kết. Sau khi kết thúc loại hợp đồng này, nếu đáp ứng các điều kiện các yêu cầu của vị trí việc làm đã tuyển dụng thì được ký hợp đồng làm việc không xác định làm việc.

– Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức khi đáp ứng các điều kiện được tuyển dụng của viên chức; đang là công chức cấp xã có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đại học trở lên phù hợp vị trí cần tuyển và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc…

– Người được tuyển dụng làm viên chức tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

Chính sách của chế độ biên chế giáo viên

-Trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc: Bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục và được báo trước ít nhất 45 ngày.

– Được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc và phải thông báo bằng văn bản trước ít nhất 45 ngày. Nếu ốm đau/bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì báo trước ít nhất 03 ngày.

Đặc biệt, so với loại hợp đồng xác định thời hạn, khi giáo viên được hưởng biên chế thì sẽ không phải lo lắng khi đến hạn hợp đồng làm việc. Do đó, khi được biên chế, giáo viên sẽ đảm bảo được sự ổn định trong công việc cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu nếu không thuộc diện bị tinh giản biên chế hoặc tự nguyện nghỉ việc.

Trên đây là những quy định của pháp luật về biên chế giáo viên Zluat xin gửi đến quý bạn đọc.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Trường hợp có các thắc mắc cần giải đáp chi tiết liên quan đến pháp luật quý bạn đọc có thể liên hệ qua Hotline: 0906.719.947, email: lienhe.luatvn@gmail.com để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư Lâm Hoàng QuânLuật sư Trịnh Văn Long và các Luật sư có kinh nghiệm khác.

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *