Xử lý tài sản thế nào khi chủ họ, hụi tuyên bố vỡ hụi?.

Vừa qua, sau vụ việc vỡ hụi, họ tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, bạn đọc băn khoăn trước tình huống người chơi hụi, họ nhưng chủ họ bị vỡ nợ thì người chơi có được pháp luật bảo vệ hay không? Việc xử lý tài sản sẽ như thế nào?

Ảnh minh họa.

Trong sự việc này, theo trình bày của các đương sự, bà Lương Thị Kim (trú tại thị trấn huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) là người cùng thị trấn với những người chơi họ với nhau, bà Kim đã tổ chức chơi họ và làm chủ họ gần 20 năm nay.

Do tin tưởng và được bà Kim rủ chơi họ nên nhiều người đã đến nộp họ cho bà kim. Mỗi người đến chơi họ đều được bà Kim phát cho một quyển sổ để ghi họ. Nội quy chơi họ do bà Kim đưa ra và ghi vào sổ họ của người chơi với nội dung: “Từ 2-3 giờ chiều sau 10 dương đến bỏ họ (hoặc điện thoại), nộp tiền họ từ ngày 12 – 28 dương hàng tháng, lấy tiền họ từ ngày 29 -30 dương hàng tháng, đến nhà Kim nộp tiền, lấy tiền họ nhớ đem theo sổ này để ghi, không phát tiền họ vào ban đêm”.

Bà Kim thông tin với người chơi rằng “dây họ” gồm 15 người chơi, mỗi người 10 triệu đồng một bát họ. Nhưng người chơi không biết cụ thể 15 người chơi cùng là những ai. Hàng tháng, người chơi đều đóng họ đầy đủ cho bà Kim, mỗi lần đóng họ bà Kim đều ghi vào sổ và ký tên. Nếu bà Kim đi vắng không có nhà thì người chơi đóng tiền họ cho con trai và con dâu bà Kim. Khi đến đóng họ, bà Kim nói với người chơi rằng nếu bà không trả được tiền cho người chơi thì con trai bà và con dâu bà sẽ có trách nhiệm trả lại tiền.

Tháng đầu tiên người chơi nộp đủ tiền họ cho bà Kim là 150 triệu đồng, số tiền này bà Kim cầm và tiêu. Từ tháng thứ nhất, nếu ai đó muốn lấy họ ( trong số 15 người chơi) thì bà Kim đưa ra mức lãi suất để được lấy họ là 30% đến 35% của 150 triệu đồng, số tiền lãi và Kim sẽ trực tiếp trừ vào số tiền họ, đồng ý thì người đó mới được lấy họ. Ví dụ: 150 triệu tiền họ của 15 người nộp cho Bà Kim, người đầu tiên muốn lấy họ chỉ được lấy về 108 triệu đồng và mất lãi là 42 triệu đồng. Số tiền 42 triệu đồng sẽ do bà Kim giữ để trả lại cho 14 người lấy họ sau, mỗi người 1 triệu đồng (tổng 14 triệu đồng). Số tiền còn lại là 28 triệu đồng sẽ thuộc về bà Kim. Bà Kim đương nhiên được lấy số tiền 28 triệu này chi tiêu cá nhân.

Mặc dù bà Kim đưa ra nội quy chơi họ là “từ 2 -3 giờ chiều ngày 10 dương lịch đến bỏ họ (hoặc điện thoại” nhưng khi người chơi đến lấy họ thì bà Kim không trả cho ai cả, vì người chơi không có tiền để lấy họ với giá cao (lãi suất 30% đến 35%) nên bà Kim không cho lấy.

Theo đúng nội quy chơi họ, người chơi tiếp tục đến nộp họ vào ngày 29/9/2019 và 30/9/2019, bà Kim, con trai và con dâu vẫn thu tiền bình thường. Chiều ngày 30/9/2019, bà Kim tuyên bố vỡ nợ và không trả tiền cho ai. Lý do vỡ họ mà bà Kim đưa ra là những thành viên chơi họ khác trong dây họ của bà chưa nộp đủ tiền họ cho bà. Tuy nhiên, bà Kim không thông tin về những người chơi họ. Mặt khác, bà Kim hẹn sẽ trả lại toàn bộ tiền họ mà người chơi đã đóng cho bà trong thời gian sớm nhất.

Đến nay, mặc dù người chơi đã nhiều lần đến nhà bà Kim yêu cầu trả tiền nhưng bà Kim vẫn cố tình trì hoãn, kéo dài việc trả tiền họ. Hiện, theo 12 người đã tố cáo bà Kim, tổng số tiền bà Kim đã thu của họ là hơn 1 tỷ 8.

Bức xúc trước việc bà Kim trì hoãn không trả, người chơi đã nộp đơn tố cáo bà Lương Thị Kim đến Công an huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Văn bản trả lời đơn thư của Công an huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh gửi cho các cá nhân tố cáo bà Kim nhận định: Việc chơi họ, nợ và thỏa thuận thanh toán tiền họ giữa bà Kim với người chơi họ chỉ là quan hệ dân sự, hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện, không có sự ép buộc, bà Kim không có mục đích chiếm đoạt tài sản của những người chơi họ mà do sai sót trong quá trình tổ chức quản lý các dây họ dẫn đến nợ do sử dụng tiền của dây họ này bù vào tiền của dây họ khác để duy trì các dây họ. Mặt khác, bà Kim đã có đơn và có nguyện vọng bán các tài sản hiện có để trả nợ cho những người tham gia chơi; vi phạm của bà Kim là vi phạm hành chính nên hành vi của bà Kim không cấu thành tội phạm hình sự. Do vậy, Cơ quan CSĐT công an huyện Tiên Yên đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với bà Kim để tổ chức chơi họ lấy lãi suất cao và chiếm đoạt tiền với số lượng lớn. Đồng thời, Cơ quan CSĐT công an huyện Tiên Yên đề nghị UBND thị trấn Tiên Yên xử lý vi phạm hành chính với hành vi vi phạm của bà Kim theo thẩm quyển, chuyển hồ sơ vụ việc đến Tòa án nhân dân huyện tiếp tục thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.

Mặc dù đã có kết quả giải quyết đơn thư của Cơ quan CSĐT công an huyện Tiên Yên, nhưng những người chơi họ đã đứng tên tố cáo bà Kim vẫn cho rằng nếu cơ quan chức năng chỉ căn cứ vào lời khai của bà Kim để trả lời đơn thư là chưa toàn diện, chưa khách quan, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Luật sư Lê Hiếu, Giám đốc công ty Luật TNHH Hiếu Hùng.

Theo Luật sư Lê Hiếu (Giám đốc công ty Luật TNHH Hiếu Hùng), đối với vụ việc cụ thể nêu trên, hành vi của bà Kim thì có thể cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, để xác định bà Kim có phạm tội và phạm tội nào theo quy định của Bộ luật hình sự hay không còn phụ thuộc vào các chứng cứ khách quan do người tố cáo cung cấp và kết quả điều tra của cơ quan điều tra.

Về kết quả giải quyết đơn tố cáo của cơ quan chức năng, Luật sư Lê Hiếu cho rằng: Những người tố cáo có quyền khiếu nại quyết định của CSĐT công an huyện Tiên Yên khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định tại khoản 2 Điều 158, khoản 1 Điều 469 và khoản 1 Điều 470 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày kể từ ngày bạn nhận được quyết định không khởi tố vụ án. Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà họ không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại (Điều 471 BLTTHS năm 2015).

Chơi hụi, họ là một trong những hình thức để huy động vốn nhàn rỗi, tương trợ trong nhân dân được Nhà nước thừa nhận, quy định tại Điều 471 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể:
“1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.
Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi”.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 quy định cụ thể hơn về hoạt động của hình thức này, trong đó quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi họ. Cũng theo Nghị định, hình thức họ bao gồm họ không có lãi và họ có lãi (gồm họ đầu thảo và họ hưởng hoa hồng).

Như vậy, khi người tham gia chơi họ dù ở hình thức nào nhưng nếu đảm bảo các nghĩa vụ của mình cũng đều được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2006/NĐ-CP nêu rõ, một trong những nghĩa vụ của chủ họ hay người được ủy quyền cầm giữ tiền họ là “giao các phần họ cho thành viên được lĩnh họ”. Nếu chủ họ (hoặc người được ủy quyền cầm giữ tiền họ) vi phạm nghĩa vụ thì phải có trách nhiệm giao các phần họ đã thu được cho thành viên và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo Điều 29 Nghị định này:

Trong trường hợp chủ họ đã thu các phần họ của các thành viên nhưng không giao cho thành viên được lĩnh họ thì theo yêu cầu của thành viên có quyền lĩnh họ, chủ họ phải giao các phần họ đã thu được cho thành viên đó và bồi thường thiệt hại nếu có.

Chủ họ phải trả lãi đối với các phần họ giao chậm theo mức lãi do các bên thoả thuận, nếu không có thoả thuận hoặc không thoả thuận được thì áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian giao chậm tại thời điểm giao các phần họ.

Trong trường hợp, chủ họ (hoặc người cầm tiền) tuyên bố vỡ họ, người đó phải gánh trách nhiệm pháp lý trước cơ quan Nhà nước và đối với những thành viên tham gia họ. Tài sản thu được sẽ được xử lý và trả cho các thành viên có quyền lĩnh họ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Tuy nhiên, nếu số tài sản thu được không đủ để thực hiện nghĩa vụ đối với tất cả các thành viên tham gia họ thì giá trị tài sản thu được sẽ trả cho người có quyền lĩnh họ theo tỷ lệ phần tiền đã góp trên tổng số tiền mà các thành viên đã nộp trong một kỳ mở họ; phần tài sản bị hụt, không trả đủ sẽ bị coi là rủi ro của những người tham gia.

THIÊN THANH/KIỂM SÁT

/du-thao-tham-quyen-cua-hoi-dong-giam-doc-tham-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-to-tung-hinh-su.html

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *