Các loại xe nào phải dán phù hiệu xe?
Phù hiệu xe còn có tên gọi khác là tem xe, đây chính là mẫu giấy do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cơ sở kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại Việt Nam. Phù hiệu xe được chính thức áp dụng tại Việt Nam từ tháng 7 năm 2015 theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Hiện nay, quy định về phù hiệu xe được thể hiện trong Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và các văn bản hướng dẫn nghị định.
Theo đó, các loại xe phải dán phù hiệu xe được quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP bao gồm:
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH”;
– Xe ô tô sử dụng để vận tải trung chuyển hành khách phải có phù hiệu “XE TRUNG CHUYỂN”;
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt Phải có phù hiệu “XE BUÝT”;
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải có phù hiệu “XE TAXI”;
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG”;
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải có phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ”;
– Xe ô tô đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải hàng hóa phải có phù hiệu “XE ĐẦU KÉO”;
– Xe ô tô tải kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường và xe taxi tải phải có phù hiệu “XE TẢI”.
Cách dán phù hiệu xe
Khoản 3 Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định phù hiệu xe phải được dán theo các quy định sau:
– Kích thước tối thiểu của các loại phù hiệu là 9 x 10 cm.
– Dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe
Thời hạn có giá trị của phù hiệu xe
Khoản 2 Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định thời hạn có giá trị của phù hiệu xe như sau:
– Phù hiệu cấp cho xe ô tô kinh doanh vận tải, phù hiệu cấp cho xe trung chuyển có giá trị 07 năm hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải (thời gian đề nghị trong khoảng từ 01 năm đến 07 năm) và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện;
– Phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” cấp cho các xe tăng cường giải tỏa hành khách trong các dịp Tết Nguyên đán có giá trị không quá 30 ngày; các dịp Lễ, Tết dương lịch và các kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng có giá trị không quá 10 ngày.
Các trường hợp bị thu hồi phù hiệu
Khoản 10 Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu xe trong các trường hợp sau đây:
– Thu hồi phù hiệu đối với tất cả phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải khi đơn vị kinh doanh vận tải bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải;
– Thu hồi phù hiệu của phương tiện vi phạm đối với trường hợp khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện trong 01 tháng cho thấy có từ 05 lần vi phạm tốc độ/1000 km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 05 km/h trở xuống);
– Thu hồi phù hiệu của các xe ô tô kinh doanh vận tải theo tuyến cố định khi doanh nghiệp, hợp tác xã không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục.
Trên đây là toàn bộ quy định của pháp luật về Các loại xe nào phải dán phù hiệu xe? Luật Nam Sơn xin gửi đến quý bạn đọc. Trường hợp có các thắc mắc cần giải đáp liên quan đến pháp luật quý bạn đọc có thể liên hệ Luật Nam Sơn để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư Hà, Luật sư Trung và các Luật sư có kinh nghiệm khác.