Có cần xin giấy phép xây dựng đối với nhà tạm, công trình xây dựng tạm?.

(Zluat) – Xây tạm là hoạt động xây dựng phổ biến, xảy ra hầu hết ở các địa phương. Đối tượng xây tạm có thể là nhà ở hoặc công trình xây dựng khác. Vậy, khi xây tạm có cần xin giấy phép xây dựng không?

Ảnh minh họa.

Nhà tạm là gì?

Trả lời về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay pháp luật nói chung và pháp luật xây dựng nói riêng không có quy định giải thích thế nào là nhà tạm. Căn cứ vào thực tiễn thì hầu hết mọi người đều hiểu thế nào là nhà tạm nhưng chưa có cách hiểu thống nhất.

Căn cứ trên thực địa có thể hiểu nhà tạm là nhà ở riêng lẻ (gồm nhà ở độc lập, nhà ở liền kề) được xây dựng mang tính chất tạm bợ, nhất thời, thiết kế và vật liệu xây dựng không được chú trọng.

Nhà tạm đối lập với nhà ở kiên cố, phân biệt với nhau về mặt thời gian tồn tại nhưng không có quy định, tiêu chí phân biệt rõ ràng về mặt pháp lý.

Bên cạnh đó, theo quy định Luật Xây dựng thì nhà tạm có nhiều điểm đồng nhất với công trình xây dựng có thời hạn (nhà ở được sử dụng trong thời hạn nhất định theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng).

Từ phân tích trên có thể hiểu nhà tạm như sau:

– Cách hiểu chung: Nhà tạm là nhà ở được xây dựng mang tính chất tạm bợ, nhất thời, thời gian tồn tại ngắn, thiết kế và vật liệu xây dựng không được chú trọng.

– Cách hiểu dưới góc độ pháp lý: Nhà tạm là nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng với một số đặc điểm dễ nhận thấy như xây dựng không kiên cố, thiết kế đơn giản.

Công trình xây dựng tạm là gì?

Điều 131, Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 49, Điều 1, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định về công trình xây dựng tạm như sau:

Công trình xây dựng tạm là công trình được xây dựng có thời hạn phục vụ các mục đích sau:

– Thi công xây dựng công trình chính.

– Sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác trong thời gian theo quy định cho phép của UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện.

Bên cạnh quy định giải thích thế nào là công trình xây dựng tạm thì Luật Xây dựng sửa đổi 2020 cũng quy định rõ một số vấn đề khác như sau:

– Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng và thực hiện xây dựng công trình tạm.

Trường hợp công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng, thiết kế xây dựng công trình phải được thẩm tra về điều kiện bảo đảm an toàn và gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương để theo dõi và kiểm tra theo quy định.

– Công trình xây dựng tạm phải được phá dỡ khi đưa công trình chính của dự án đầu tư xây dựng vào khai thác sử dụng hoặc khi hết thời gian tồn tại của công trình.

Chủ đầu tư được đề nghị UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện chấp thuận việc tiếp tục khai thác sử dụng công trình xây dựng tạm có mục đích để thi công xây dựng công trình chính nếu công trình phù hợp với quy hoạch, bảo đảm các yêu cầu về an toàn chịu lực, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với việc có phải xin giấy phép xây dựng khi xây nhà tạm hay không, Luật sư cho biết với nhà tạm (nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định) thì:

Trường hợp 1: Nhà tạm được xây dựng trong khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất nếu có đủ điều kiện.

Nếu nhà tạm thuộc trường hợp này thì phải có giấy phép xây dựng trước khi khởi công, nghĩa là phải xin giấy phép xây dựng.

Trường hợp 2: Nhà tạm không thuộc trường hợp 1

Nếu nhà tạm là nhà ở riêng lẻ mà không thuộc trường hợp 1 thì việc phải xin giấy phép xây dựng hay không phải phụ thuộc vào khu vực xây dựng.

Căn cứ Điều 89, Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 30, Điều 1, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, nhà tạm thuộc trường hợp sau đây được miễn giấy phép xây dựng trước khi khởi công:

(1) Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

(2) Nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

(3) Nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng.

Theo đó, có thể thấy hầu hết nhà tạm nếu không thuộc khu vực đô thị thì được miễn giấy phép xây dựng, trừ trường hợp xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ nhà tạm thì chủ yếu là nhà 01 tầng, xây tạm để ở trong một thời gian nhất định.

Còn đối với công trình xây dựng tạm thì khoản 2, Điều 89, Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 30, Điều 1, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ những trường hợp được miễn giấy phép xây dựng sau: a) Công trình bí mật nhà nước; Công trình xây dựng khẩn cấp; c) Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 của Luật này;…

Như vậy, công trình xây dựng tạm theo quy định Điều 131, Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Xây dựng sửa đổi 2020 không phải xin giấy phép xây dựng trước khi khởi công, vì được miễn.

VŨ TRẦN

Anh chị em ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau không?

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *