Doanh nghiệp cần làm gì khi lương tối thiểu vùng tăng?.

(Zluat) – Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng từ ngày 01/7/2022 với mức tăng là 6%. Vậy, với sự thay đổi về lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện một số điều chỉnh như thế nào để phù hợp với quy định của pháp luật?

Ảnh minh họa.

Tăng lương cho nhân viên đang nhận lương tối thiểu vùng

Theo Luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Điều 90, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:

“1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu”.

Như vậy, mức lương thấp nhất trả cho người lao động được pháp luật cho phép là bằng với mức lương tối thiểu vùng của khu vực đó.

Tới đây, ngày 01/7/2022, khi lương tối thiểu vùng tăng, doanh nghiệp cũng phải tăng lương cho những người lao động đang nhận lương theo lương tối thiểu vùng.

Mức lương sau khi tăng không được thấp hơn mức lương quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau:

Doanh nghiệp thuộc vùng

Lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022

Vùng I

4,68 triệu đồng/tháng

Vùng II

4,16 triệu đồng/tháng

Vùng III

3,64 triệu đồng/tháng

Vùng IV

3,25 triệu đồng/tháng

Có thể phải tăng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN hàng tháng

Theo hướng dẫn tại Quyết định 595/QĐ-BHXH, hàng tháng người sử dụng lao động sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo các tỉ lệ nhất định được tính dựa trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động. Cụ thể:

BHXH

BHTN

BHYT

Hưu trí và tử tuất

Ốm đau và thai sản

Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

14%

3%

1% (hoặc 0,5%)

1%

3%

Cùng với đó, điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 Quyết định 595 cũng nêu rõ, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Sắp tới khi lương tối thiểu vùng tăng, mức tiền lương tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH cũng sẽ tăng theo.

Do đó, nếu đang đóng BHXH cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng thì từ ngày 01/7/2022, số tiền hằng tháng mà doanh nghiệp phải bỏ ra để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc nói trên sẽ tăng thêm đáng kể so với trước.

Trường hợp đã đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng thì số tiền đóng các loại bảo hiểm bắt buộc của doanh nghiệp không cần điều chỉnh tăng.

Có thể phải tăng tiền đóng kinh phí công đoàn

Theo Điều 5, Nghị định 191/2013/NĐ-CP, mức đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp được xác định theo công thức sau:

Mức đóng = 2% x Quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động

Trong đó, quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH.

Do vậy, đương nhiên, khi mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động của doanh nghiệp tăng thì tiền nộp kinh phí công đoàn của doanh nghiệp cũng sẽ tăng theo.

Như đã phân tích, việc tăng lương tối thiểu vùng có thể làm thay đổi mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH. Điều này cũng gián tiếp làm ảnh hưởng đến số tiền đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp.

Theo đó, việc tăng lương tối thiểu vùng có thể làm tăng số tiền đóng kinh phí công đoàn  của doanh nghiệp.

Tăng tiền lương ngừng việc cho người lao động

Căn cứ Điều 99, Bộ luật Lao động năm 2019, trường hợp người lao động ngừng việc, doanh nghiệp phải trả lương như sau:

– Ngừng việc do lỗi của doanh nghiệp: Doanh nghiệp trả đủ tiền lương theo hợp đồng.

– Ngừng việc do lỗi của người lao động: Doanh nghiệp không trả lương.

– Ngừng việc do lỗi của người lao động khác: Doanh nghiệp trả lương ít nhất bằng lương tối thiểu.

– Ngừng việc vì sự cố về điện, nước, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa,…:

+ Ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: Doanh nghiệp trả lương ít nhất bằng mức lương tối thiểu

+ Ngừng việc trên 14 ngày làm việc: Trong 14 ngày đầu, doanh nghiệp trả lương ít nhất bằng mức lương tối thiểu, tiền lương những ngày sau đó do các bên tự thỏa thuận.

Với việc tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022, mức lương ngừng việc tối thiểu trả cho người lao động trong các trường hợp ngừng việc do lỗi của người lao động khác hoặc do các nguyên nhân khách quan cũng sẽ tăng. 

Tăng tiền lương tối thiểu cho người bị điều chuyển công việc

Theo Điều 29, Bộ luật Lao động năm 2019, nếu gặp khó khăn đột xuất do các lý do khách quan thì doanh nghiệp có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Trong thời gian điều chuyển công việc, người lao động sẽ được trả lương như sau:

Điều 29. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Như vậy, khi chuyển người lao động sang làm công việc khác, doanh nghiệp sẽ được trả công theo mức lương mới có thể thấp hơn lương cũ nhưng được giữ nguyên lương cũ trong 30 ngày làm việc.

Dù vậy, mức lương mới trả cho người lao động cũng không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Vì vậy, khi mức lương tối thiểu vùng tăng, doanh nghiệp sẽ phải trả mức lương cao hơn cho người lao động bị điều chuyển công việc mà đang nhận mức lương thấp.

VŨ TRẦN

Lương tối thiểu vùng tăng, người lao động được hưởng lợi thế nào?

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *