Xử lý thế nào với hành vi quảng cáo không đúng sự thật?.

(Zluat) – Pháp luật quy định thế nào về hành vi quảng cáo không đúng sự thật? Bạn đọc H.G.K. hỏi.

Ảnh minh họa.

Trả lời về vấn đề trên, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại khoản 1, Điều 2, Luật Quảng cáo 2012 quy định: “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi, sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi, tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự, chính sách xã hội, thông tin cá nhân”.

Tuy nhiên, thực tế lại có không ít quảng cáo có tính chất gian dối, không đúng sự thật. Theo đó, quảng cáo gian dối được hiểu là hành vi quảng cáo không đúng với tên gọi, chất lượng, giá tiền và giá trị sử dụng thật của hàng hóa, dịch vụ được cung cấp.

Điều 8, Luật Quảng cáo 2012 liệt kê 16 hành vi bị cấm trong quảng cáo, trong đó khoản 9, Điều 8, Luật Quảng cáo 2012 đã quy định quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Như vậy, tại Điều 8, Luật Quảng cáo 2012 cũng nêu rõ hành vi quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, số lượng, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo.

Bởi lẽ, việc quảng cáo không đúng sự thật để thu hút khách mua hàng, sử dụng dịch vụ có thể để lại hậu quả không nhỏ tới sức khỏe, tính mạng, trải nghiệm sử dụng sản phẩm… của khách hàng.

Cá nhân, tổ chức quảng cáo gian dối sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Xử lý thế nào?

Cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo gian dối, không đúng sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 34, Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Cụ thể, theo khoản 5, Điều 34, Nghị định 38/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn:

– Về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

– Về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sau:

– Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 – 07 tháng;

– Tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 – 24 tháng trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong 06 tháng.

Đồng thời, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo; buộc cải chính thông tin gian dối, không đúng sự thật đã đăng tải quảng cáo.

Trường hợp cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quảng cáo gian dối mà còn vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Quảng cáo gian dối”.

Cụ thể, theo Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:

– Bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng; hoặc

– Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 – 50 triệu đồng, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.

Trên thực tế, thường có sự nhầm lẫn giữa hành vi quảng cáo gian dối, sai sự thật với hành vi lừa dối khách hàng. Mặc dù đều thực hiện các hành vi gian dối, tuy nhiên bản chất của hai hành vi này là khác nhau.

Tại Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định về hai tội danh riêng biệt là tội “Quảng cáo gian dối” và tội “Lừa dối khách hàng”. Với tội “Quảng cáo gian dối”, hành vi phạm tội được thực hiện nhằm đưa ra những thông tin quảng cáo không đúng sự thật của sản phẩm, dịch vụ (ví dụ, sản phẩm chất lượng kém nhưng lại quảng cáo đây là sản phẩm có chất lượng cao).

Với tội “Lừa dối khách hàng”, thường thủ đoạn gian dối chỉ diễn ra trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ (ví dụ, sử dụng cân đã được điều chỉnh để cân hàn cho khách hàng khiến khối lượng hàng cân không chuẩn). Ngoài ra, mức phạt với hai hành vi này cũng được quy định khác nhau.

TRẦN QUÝ

Nghỉ làm do bị tai nạn lao động được trả lương như thế nào?

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *