Quy định về công chứng hợp đồng thế chấp tài sản năm 2023.

Quy định về công chứng hợp đồng thế chấp tài sản năm 2023

công chứng hợp đồng thế chấp tài sản năm 2023

Khái niệm công chứng là gì? Thế chấp tài sản là gì?

Công chứng là gì?

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Trong đó:

– Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Công chứng, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.

– Tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Thế chấp tài sản là gì?

Căn cứ theo Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về thế chấp tài sản như sau:

“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp”.

Như vậy, hợp đồng thế chấp tài sản là một dạng hợp đồng để đảm bảo nghĩa vụ tài sản.

Thông thường, hợp đồng thế chấp tài sản được ký kết giữa cá nhân, tổ chức với ngân hàng.

Quy định về công chứng hợp đồng thế chấp tài sản

Xét về điều kiện để hợp đồng nói riêng, giao dịch dân sự nói chung có hiệu lực, Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.

Hợp đồng thế chấp được lập thành văn bản và thường các ngân hàng sẽ yêu cầu người vay thực hiện công chứng hợp đồng này.

Trước đây, tại Điều 9 Nghị định 163/2006/NĐ-CP (đã hết hiệu lực từ ngày 15/5/2021) có quy định công chứng, chứng thực giao dịch bảo đảm như sau:

“1. Việc công chứng hoặc chứng thực giao dịch bảo đảm do các bên thoả thuận.

2. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì giao dịch bảo đảm phải được công chứng hoặc chứng thực”.

Như vậy, việc công chứng hợp đồng thế chấp sẽ do các bên thoả thuận và chỉ phải công chứng trong trường hợp pháp luật yêu cầu.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành tại Nghị định 102/2017/NÐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm thì không còn quy định này nữa mà chỉ có yêu cầu phải công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản gồm nhà ở, đất ở, tài sản gắn liền với đất… tại khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 và điểm a khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013, Điều 54 Luật Công chứng 2014.

Như vậy, đối với hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định riêng.

Do đó, hiện không có yêu cầu bắt buộc mọi hợp đồng thế chấp tài sản đều phải công chứng mà chỉ hợp đồng thế chấp bất động sản, thế chấp nhà ở thì mới phải công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng.

Thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp tài sản

Như phân tích ở trên, không phải mọi hợp đồng thế chấp tài sản đều phải công chứng ngoại trừ tài sản là bất động sản, nhà ở. Nhưng nếu các bên thoả thuận công chứng thì hoàn toàn có thể thực hiện thủ tục này như sau:

Cơ quan thực hiện

Tổ chức hành nghề công chứng gồm Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng.

Chuẩn bị hồ sơ

– Phiếu yêu cầu công chứng có ghi rõ yêu cầu, thông tin của người yêu cầu công chứng hợp đồng thế chấp tài sản.

– Dự thảo hợp đồng thế chấp tài sản.

– Giấy tờ tuỳ thân của bên thế chấp và ngân hàng (bản sao): Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân…

– Giấy tờ về tài sản: Sổ đỏ, Đăng ký xe… (bản sao).

– Giấy tờ khác (nếu có).

Thời gian giải quyết

Cũng như các loại hợp đồng khác, khi công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, thời gian xử lý, giải quyết là không quá 02 ngày làm việc, nếu phức tạp thì kéo dài không quá 10 ngày làm việc.

Phí, lệ phí cần nộp

Khi công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, người thế chấp phải chịu phí công chứng được tính theo giá trị của tài sản và thù lao công chứng do tổ chức hành nghề công chứng quy định nhưng không cao hơn mức trần của Hội đồng nhân dân tỉnh đưa ra.

Trên đây là những quy định của pháp luật về công chứng hợp đồng thế chấp tài sản năm 2023. Zluat xin gửi đến quý bạn đọc.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Trường hợp có các thắc mắc cần giải đáp chi tiết liên quan đến pháp luật quý bạn đọc có thể liên hệ qua Hotline: 0906.719.947, email: lienhe.luatvn@gmail.com để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư Lâm Hoàng QuânLuật sư Trịnh Văn Long và các Luật sư có kinh nghiệm khác.

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *