Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp?.

ZluatO – Có một công ty làm ăn rất kém, gần như đã phá sản (hiện tại đã đóng mã không giao dịch gì, nợ thuế hơn 4 tỷ và nhiều cái nợ nữa), cách đây 2 năm, ông Giám đốc công ty này nhờ em đứng tên h…

ZluatO – Có một công ty làm ăn rất kém, gần như đã phá sản (hiện tại đã đóng mã không giao dịch gì, nợ thuế hơn 4 tỷ và nhiều cái nợ nữa), cách đây 2 năm, ông Giám đốc công ty này nhờ em đứng tên hộ và giờ em là người đại diện pháp luật của công ty. Vậy mọi trách nhiệm liên đới của công ty này em phải chịu phải không ạ? Có cách nào em không phải chịu gì không? (Bạn đọc T.H.)

Ảnh minh họa.

Luật sư tư vấn:

Theo khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì:

“Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

Bên cạnh đó, Điều 137 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định:

“1.  Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:

a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;

b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;

c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.”

Có thể thấy, hoạt động của một doanh nghiệp được thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật sẽ nhân danh và vì lợi ích của doanh nghiệp xác lập, thực hiện các giao dịch thể hiện mối quan hệ với các chủ thể trong doanh nghiệp (như với các thành viên, cổ đông góp vốn) hoặc với các chủ thể khác bên ngoài doanh nghiệp (đối tác, khách hàng, cơ quan quản lý nhà nước…). Quy định này cho thấy vai trò và trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đó là họ phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ các hoạt động, các giao dịch của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với loại hình doanh nghiệp khác nhau, trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của người đại diện đối với khoản nợ của công ty cũng khác nhau. Cụ thể:

– Đối với Công ty Cổ phần: Nếu bạn là người đại diện theo pháp luật, đồng thời là cổ đông công ty thì theo điểm c khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2014: “Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp”. Theo đó, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn người đó đã góp vào doanh nghiệp.

– Đối với Công ty TNHH: Nếu bạn là người đại diện theo pháp luật, đồng thời là thành viên góp vốn thì theo điểm b khoản 1 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2014: “Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật này”. Theo đó, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn người đó đã góp vào doanh nghiệp.

– Đối với Công ty Hợp danh: Trách nhiệm tài sản của các thành viên hợp danh đối với các nghĩa vụ của công ty là trách nhiệm vô hạn và liên đới. Theo điểm đ khoản Điều 176 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định thành viên hợp danh có các nghĩa vụ: “Liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty”. Do đó, chủ nợ có quyền yêu cầu bất kì thành viên hợp danh nào thanh toán các khoản nợ của công ty đối với chủ nợ. Mặt khác, các thành viên hợp danh phải dùng toàn bộ tài sản của mình (tài sản đầu tư vào kinh doanh và tài sản dân sự) chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty. Nếu bạn đứng tên người đại diện theo pháp luật của Công ty hợp danh, bạn có nghĩa vụ trả nợ công ty bằng tài sản của mình.

– Đối với doanh nghiệp tư nhân: Theo khoản 1 Điều 183 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “ Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”. Khi  hoạt  động  của doanh nghiệp làm phát sinh các khoản nợ thì chủ doanh nghiệp có trách nhiệm lấy tài sản của mình, không phân biệt là tài sản doanh nghiệp hay tài sản khác trong khối tài sản riêng của mình, để trả cho các chủ nợ. Nếu bạn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân, bạn có trách nhiệm vô hạn (bằng tài sản của mình) đối với khoản nợ của công ty.

Như vậy, trừ trường hợp bạn được thuê để làm người đại diện theo pháp luật cho Công ty Cổ phần và Công ty TNHH mà không góp vốn thì bạn mới không có trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty. Trường hợp người nhờ bạn đứng tên có góp vốn , bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn người đó đã góp vào doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, bạn có trách nhiệm vô hạn đối với khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.

Luật sư Phạm Thị Thu

(Công ty Luật Số 1 Hà Nội)

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *