Vợ chồng không được phép ly hôn trong trường hợp nào? 2022.

Ly hôn là điều mà không cặp vợ chồng nào mong muốn, tuy nhiên nếu một trong hai người cảm thấy không còn tình cảm với nhau, mục đích hôn nhân không đạt được và không cần thiết kéo dài cuộc hôn nhân không hạnh phúc này thì ly hôn là giải pháp tốt nhất để cả hai giải thoát cho nhau.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng được sự đồng ý của vợ và chồng khi ly hôn. Khi người kia không đồng ý về việc ly hôn, thỏa thuận nuôi con, hoặc có tranh chấp về tài sản… thì bạn có thể làm thủ tục đơn phương ly hôn. Mặt khác, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, pháp luật cũng quy định những trường hợp không được đơn phương ly hôn. Công ty Zluat sẽ cung cấp thông tin trong bài viết dưới đây để độc giả tham khảo.

Vợ chồng không được ly hôn trong trường hợp nào

Ly hôn là gì?

Trước khi tìm hiểu về khái niệm đơn phương ly hôn, chúng ta đầu tiên phải hiểu ly hôn là gì?

Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã giải thích rõ về ly hôn như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

  1. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”

Một khi ly hôn thì hai bên sẽ không còn là vợ chồng và họ sẽ không bị ràng buộc phải thực hiện các nghĩa vụ về mặt pháp lý đối với bên còn lại nữa, nhưng đối với con cái thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật.

Sau khi ly hôn thì các bên sẽ được Tòa án gửi bằng chứng công nhận ly hôn đó chính là quyết định công nhận thuận tình ly hôn hoặc bản án ly hôn.

Đơn phương ly hôn là gì?

Sau khi đã hiểu về khái niệm ly hôn thì chúng ta sẽ tìm hiểu đơn phương ly hôn là gì.

Ly hôn đơn phương hay còn gọi là Ly hôn theo yêu cầu của một bên, theo điều 56 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định như sau:

“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

  1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
  2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
  3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

Nếu thuận tình ly hôn là cả hai vợ chồng cùng tự nguyện yêu cầu giải quyết ly hôn thì đơn phương ly hôn hay còn được gọi là ly hôn theo yêu cầu của một bên là ly hôn trong trường hợp một bên yêu cầu giải quyết ly hôn. Và bên đó có thể là vợ hoặc chồng. Ngoài ra theo Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình 2014, thì người yêu cầu có thể là cha, mẹ, hoặc người thân thích khác của vợ hoặc chồng.

Vì đơn phương ly hôn là một trường hợp ly hôn nên kết quả của đơn phương ly hôn cũng giống như ly hôn đó chính là chấm dứt quan hệ vợ chồng, hai bên vợ chồng không còn ràng buộc về mặt pháp lý và họ có thể tự do đi tìm hạnh phúc mới của mình. Tuy nhiên, như đã nói ở trên thì họ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con cái. Vậy vợ chồng không được ly hôn trong trường hợp nào?

Những trường hợp vợ chồng không được phép ly hôn.

Thứ nhất: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).

Quy định này đặt ra nhằm đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ và trẻ em, pháp luật hạn chế quyền ly hôn của người chồng trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Trên thực tế, việc xác định người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng dựa trên sự thực là người vợ đang chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng con dưới 12 tháng, do vậy khi thực hiện quy định sẽ phát sinh tranh chấp, vướng mắc trong một số trường hợp cụ thể  mà chúng ta cần phải xác định xem người chồng có được quyền đơn phương ly hôn hay không, chẳng hạn như:

–  Người phụ nữ mang thai hộ cho người khác thì về nguyên tắc người phụ nữ vẫn được coi là đang mang thai và người chồng không có quyền ly hôn;

–  Người phụ nữ nhờ người khác mang thai hộ, nên trên thực tế họ cũng không được xác định là đang mang thai/sinh con/nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nên trong trường hợp này người chồng không bị hạn chế quyền ly hôn;

–  Trường hợp người phụ nữ nhận nuôi con nuôi (hợp pháp theo quy định của pháp luật) mà đứa con dưới 12 tháng tuổi thì về nguyên tắc người chồng cũng bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn.

Tuy nhiên, quy định này chỉ hạn chế quyền ly hôn của người chồng. Không hạn chế quyền ly hôn của vợ. Có nghĩa là nếu người vợ làm đơn xin ly hôn, hoặc cả vợ và chồng cùng làm thủ tục công nhận thuận tình ly hôn mặc dù đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, thì tòa án vẫn thụ lý, giải quyết như những trường hợp bình thường khác.

Nguyên nhân pháp luật quy định như trên:

Đầu tiên, người vợ trong những giai đoạn như: đang có thai, đang trong thời gian sinh con, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì thường có tâm lý nhạy cảm, bất ổn,…và thường thường họ không có đủ sức khỏe, thời gian cũng như tinh thần thực hiện các trình tự thủ tục ly hôn bởi vì mang thai và nuôi con là một quá trình khá vất vả và tốn nhiều sức lực.

Chưa kể, khi thực hiện các trình tự thủ tục ly hôn, nhất là trong những vụ án, vụ việc ly hôn, vợ chồng sẽ phải lên Tòa nhiều lần để giải quyết ly hôn. Do đó, người chồng không có quyền ly hôn trong trường hợp này.

Ngoài ra, như đã nói ở trên người vợ trong những giai đoạn như: đang có thai, đang trong thời gian sinh con, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì thường có tâm lý nhạy cảm, bất ổn, thể trạng yếu, nên họ cần lúc này nhất chính là sự quan tâm, chăm sóc, và người họ cần nhất không ai khác chính là người chồng.

Nếu người chồng đưa ra quyết định ly hôn lúc này có thể gây ra một cú sốc nặng cho người vợ, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe cũng như tính mạng người vợ. Do đó, cần hạn chế quyền ly hôn của người chồng trong thời gian “nhạy cảm” này.

Mục đích của các nhà làm luật khi đưa ra điều luật về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng nhằm bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ  như quyền lợi của trẻ nhỏ là được chăm sóc, cấp dưỡng, bởi người phụ nữ trong giai đoạn này đang phải gánh vác một trách nhiệm khá lớn.

Thứ hai: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. (Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).

Theo đó, vợ chồng sẽ không được phép ly hôn khi:

– Không có căn cứ có về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Hiện nay ly hôn có rất nhiều lý do. Pháp luật quy định một cách chặt chẽ như này là để tránh trường hợp vợ hoặc chồng ly hôn do muốn đạt mục đích tư lợi như là muốn ly hôn do yêu sách của cải của đối phương muốn muốn chia tài sản khi ly hôn hoặc là muốn lo rũ bỏ trách nhiệm giữa vợ và chồng, hoặc những lý do khác. Bởi ly hôn được pháp luật quy định nhằm mục đích tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng giải thoát cho nhau để hướng tới cuộc sống mới hạnh phúc hơn chứ không phải công cụ để các bên đạt được tư lợi.

Nếu bạn đọc còn gặp những vướng mắc các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục khi tiến hành ly hôn đơn phương hoặc muốn tiết kiệm thời gian, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, có thể sử dụng dịch vụ Ly hôn nhanh của Công ty Zluat được giải quyết trực tiếp bởi Luật Sư Hà, Luật Sư Trung. Hoặc gọi đến hotline 0798.822.933 để được tư vấn.

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *