Xử lý hành vi phạm tội chưa đạt.

(Zluat) – Theo quy định pháp luật hiện hành, phạm tội chưa đạt thì bị xử lý như thế nào?

Ảnh minh hoạ.

Về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, có rất nhiều vụ án, khi xem xét đến hành vi phạm tội và hậu quả của hành vi phạm tội đó gây ra mà người phạm tội được quy vào trường hợp phạm tội chưa đạt. Đó cũng là căn cứ xác định để cơ quan tố tụng hình sự quyết định tội danh và hình phạt cho phù hợp.

Theo Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, phạm tội chưa đạt, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Theo khái niệm, có thể chia phạm tội chưa đạt thành hai trường hợp:

– Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành;

– Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành. 

Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành (chưa đạt về hậu quả, chưa hoàn thành về hành vi) là trường hợp người phạm tội vì những nguyên nhân khách quan (bị ngăn cản, bắt giữ…) mà chưa thực hiện được hết các hành vi được cho là cần thiết để gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, do đó hậu quả là chưa xảy ra. Còn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành (chưa đạt về hậu quả, đã hoàn thành về hành vi) là trường hợp người phạm tội đã thực hiện được hết các hành vi được cho là cần thiết để gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Nhưng hậu quả đã không xảy ra do nguyên nhân ngoài ý muốn (được phát hiện, cứu chữa kịp thời…).

Tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm trong trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là cao hơn so với phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành. Mặc dù vậy, người phạm tội chưa đạt ở bất kỳ trường hợp nào thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về phạm tội chưa đạt.

Việc quyết định hình phạt đối với phạm tội chưa đạt được quy định theo khoản 1 và khoản 3 Điều 57 của Bộ luật Hình sự quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt. Cụ thể, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng. Nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

Ngoài ra, theo điểm h khoản 1 và khoản 3 Điều 51 của Bộ luật Hình sự quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nếu phạm tội chưa gây ra thiệt hại hoặc thiệt hại ít nghiêm trọng mà không phải là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì được xem là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt. 

PV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *