Quy định pháp luật về vấn đề chuyển đổi giới tính năm 2022.

Quy định pháp luật về vấn đề chuyển đổi giới tính

Quyền chuyển đổi giới tính là một trong những quyền nhân thân của cá nhân, lần đầu tiên được ghi nhận tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015. Hiện nay, Luật chuyển đổi giới tính chưa được ban hành, cũng chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể.  Bài viết dưới đây Zluat sẽ phân tích cơ sở pháp lý về quyền chuyển đổi giới tính

quyen-chuyen-doi-gioi-tinh

Cơ sở pháp lý

Bộ Luật dân sự 2015 đã thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính tại Điều 37. Đây được xem là một trong những điểm mới nổi bật của văn bản này.

“Điều 37. Chuyển đổi giới tính
Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”

Phân tích cơ sở pháp lý về chuyển đổi giới tính

Bộ Luật dân sự 2015 đã chính thức ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính với tư cách là một quyền nhân thân gắn với mỗi cá nhân. Điều 37 Bộ Luật dân sự 2015 ghi nhận chuyển đổi giới tính hoàn toàn độc lập với quyền xác định lại giới tính (Điều 36 Bộ Luật dân sự 2015). Hai quyền này mặc dù cùng liên quan đến giới tính của chủ thể nhưng về bản chất cũng như các vấn đề pháp lý liên quan là khác nhau. Cụm từ “xác định lại giới tính” nhằm trả lại giới tính thực cho những người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Chủ thể của quyền này được hiểu là những người có sự phát triển không điển hình của các đặc điểm giới tính và sinh lý trên cơ thể. Trong khi đó “chuyển đổi giới tính” lại dùng để chỉ trường hợp cá nhân có nhận thức về giới tính khác với giới tính sinh học của mình, tức là về mặt tự nhiên, người chuyển giới hoàn toàn bình thường. Chuyển đổi giới tính là một hoạt động phức tạp và tạo ra hệ quả to lớn do đó không thể chỉ gói gọn trong một điều luật mà cần được quy định cụ thể trong văn bản luật chuyên biệt, trong khi vấn đề xác định lại giới tính cho đến nay vẫn chỉ được cụ thể hóa bằng nghị định và thông tư. Vấn đề lớn hiện nay là xây dựng Luật (tạm gọi là Luật Chuyển đổi giới tính) với những nội dung gì, điều chỉnh ra sao, mặc dù Bộ Luật dân sự 2015 đã ghi nhận quyền này nhưng quy định này chưa thể thực thi được.

Điều 37 còn giải quyết các vấn đề hộ tịch của cá nhân đã chuyển đổi giới tính: Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Như vậy việc đăng ký thay đổi hộ tịch vừa là quyền vừa là nghĩa vụ dành cho cá nhân đã chuyển đổi giới tính. Phù hợp với quy định này, Điều 28 Bộ Luật dân sự 2015 ghi nhận cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp người đã chuyển đổi giới tính (điểm e khoản 1). Khi quyền chuyển đổi giới tính tại Việt Nam chưa được thừa nhận, đã có không ít cá nhân tự thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính (đa phần tại nước ngoài) và gặp khó khăn trong các vấn đề về hộ tịch mà cụ thể là việc thay đổi tên. Nhiều người chuyển giới đã cố gắng vận dụng điểm a và điểm e khoản 1 Điều 27 Bộ Luật dân sự 2005 để đăng ký xin đổi tên, tuy nhiên đa phần các trường hợp đều không được chấp thuận. Tuy nhiên, với vai trò là đạo luật quy định những vấn đề chung, các quy định của Bộ Luật dân sự 2015 cần được cụ thể hóa bằng các văn bản chuyên biệt như luật, nghị định, thông tư hướng dẫn… đặc biệt là trong vấn đề hộ tịch vốn khá phức tạp hiện nay.

văn phòng luật sư
Nội dung cuối cùng được ghi nhận trong Điều 37 cho phép cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. Chủ thể sau khi thực hiện chuyển đổi giới tính mang một giới tính mới, kéo theo những hệ quả về quyền và nghĩa vụ liên quan trong nhiều lĩnh vực pháp luật như hôn nhân gia đình, lao động, luật nghĩa vụ quân sự… Với quy định này, người sau khi chuyển đổi giới tính sẽ được hưởng các quyền tương ứng với giới tính mới của họ. Điều này về mặt nguyên tắc là phù hợp nhưng triển khai trên thực tế lại không dễ dàng, đòi hỏi quy định đồng bộ trong các lĩnh vực có liên quan, tránh trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính trên thực tế nhưng lại không được hưởng các quyền lợi chính đáng tương ứng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực hôn nhân – gia đình, có cho phép vợ/chồng (người đã kết hôn) tiến hành chuyển đổi giới tính hay không? Nếu có, hệ quả sau khi chuyển đổi sẽ được giải quyết thế nào? Nếu một trong hai bên vợ, chồng tiến hành chuyển đổi giới tính, quan hệ hôn nhân lúc này có thể trở thành quan hệ giữa những người cùng giới tính, vấn đề ly hôn giữa các chủ thể này được giải quyết như thế nào? Hay như trong mối quan hệ với con cũng cần phải đặt ra vì cá nhân chuyển đổi giới tính có thể đã có con trước khi chuyển giới. Vấn đề đặt ra là một khi giới tính của người đã có con được chuyển đổi thì việc chuyển đổi giới tính này có hệ quả gì trong mối quan hệ giữa người chuyển giới và người con? Trong mối quan hệ với người con, một người trước đây là cha (vì là nam) nhưng nay người này chuyển giới thành nữ thì có được đổi thành mẹ không?….

Như vậy Zluat đã giải đáp cho các bạn hiểu quy định của pháp luật về vấn đề chuyển đổi giới tính năm 2022. Trong trường hợp quý khách có bất kỳ các vấn đề nào gặp khó khăn đừng ngần ngại liên hệ Zluat để được hỗ trợ trực tiếp bởi  Luật sư Lâm Hoàng Quân, Luật sư Trịnh Văn Long và các luật sư chuyên môn khác.

Điện thoại: 0906.719.947

Gmail: lienhe.luatvn@gmail.com

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *