Thành lập hộ kinh doanh hay doanh nghiệp?.

ZluatO – Nhiều cá nhân khi thành lập doanh nghiệp (DN) thường không biết nên chọn mô hình nào? Hộ kinh doanh cá thể là một hình thức được nhiều cá nhân khi bắt đầu thành lập lựa chọn.

ZluatO – Nhiều cá nhân khi thành lập doanh nghiệp (DN) thường không biết nên chọn mô hình nào? Hộ kinh doanh cá thể là một hình thức được nhiều cá nhân khi bắt đầu thành lập lựa chọn.

Tính đến cuối năm 2017, cả nước có gần 5 triệu hộ sản xuất, kinh doanh, gấp 10 lần số DN đang hoạt động, với tổng tài sản ước tính khoảng 655.000 tỷ đồng. Trong số này có rất nhiều hộ kinh doanh dù có doanh thu lớn, đội ngũ nhân công đông đảo, nhưng vẫn chọn mô hình kinh doanh hộ gia đình. Hiện nay, theo thống kê số DN thành lập mới ngày càng nhiều với số vốn lớn. Vậy điểm mạnh và điểm yếu của việc thành lập hộ kinh doanh và DN là gì?

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Căn cứ theo Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP, ngày 14/9/2015:

Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

DN là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

Quy mô kinh doanh hộ cá thể, thành lập công ty

Với công ty: Không bị giới hạn về quy mô, vốn, địa điểm kinh doanh, công ty được phép xuất khẩu, nhập khẩu với số lượng lao động không hạn chế.

Với đặc điểm này, mô hình tổ chức kinh doanh theo DN sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc quyết định các vấn đề của DN, về địa điểm kinh doanh và quy mô công ty rộng hơn so với hộ kinh doanh. DN không bị giới hạn về số lượng lao động. Phù hợp với ý định kinh doanh lớn và nhu cầu mở rộng kinh doanh. Pháp luật DN cho phép các DN dễ dàng chuyển đổi loại hình DN khi có thay tổ trong tổ chức, quy mô, cơ cấu DN mà không phải chấm dứt, giải thể DN.

Các mô hình DN gồm: Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh.

Hộ kinh doanh: Có quy mô nhỏ, phải lựa chọn một địa điểm cố định để đăng ký kinh doanh, có thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên kinh doanh nhất. Số lượng lao động của mô hình kinh doanh hộ kinh doanh cá thể là không quá 10 người.  

Phù hợp với những cá nhân hoặc nhóm cá nhân muốn khởi nghiệp, kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ, không yêu cầu về cơ cấu tổ chức quản trị rõ ràng, không có kế hoạch mở rộng quy mô trong tương lai.

Hiện nay, Nhà nước đang có những ưu đãi hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017.

1. DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được hỗ trợ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Trước khi thành lập DN, hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật;

b) Hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.

2. Nội dung hỗ trợ bao gồm:

a) Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập DN;

b) Miễn lệ phí đăng ký DN và phí cung cấp thông tin DN lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu;

c) Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu;

d) Miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập DN;

đ) Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ chưa thanh toán của hộ kinh doanh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật.

4. Hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động kể từ thời điểm DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Thủ tục Đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp: 

Thủ tục: Phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật DN. Hiện nay, tất cả các thủ tục đăng ký kinh doanh nộp hồ sơ qua mạng điện tử sau khi hồ sơ hợp lệ sẽ nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh, thành phố để được giải quyết.

Hộ kinh doanh: 

Thủ tục: Để đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể, người đăng ký chỉ cần chuẩn bị các giấy tờ theo quy định và hồ sơ trực tiếp tại UBND quận/huyện nơi đăng ký.

Tư cách pháp nhân

Doanh nghiệp: Có tư cách pháp nhân để tách biệt tài sản của công ty và tài sản của nhà đầu tư. Đăng ký DN người thực hiện sẽ nhận được Giấy phép đăng ký DN và con dấu công ty. Đây là ưu điểm của mô hình DN tạo được niềm tin, uy tín cao hơn cho khách hàng.

Hộ kinh doanh: Không có tư cách pháp nhân, nhà đầu tư phải dùng tài sản của mình để trả nợ nếu kinh doanh thua lỗ. Đây là điểm hạn chế của mô hình hộ kinh doanh cá thể.

Chế độ trách nhiệm

Doanh nghiệp: Chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp vào công ty (trừ DN tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn).

Hộ kinh doanh: Chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của hộ kinh doanh.

Nghĩa vụ kê khai và nộp thuế

Doanh nghiệp: DN được quyền lựa chọn hình thức tính thuế theo phương pháp khấu trừ hay trực tiếp, chủ DN sẽ phải chấp hành nhiều quy định về thuế và sổ sách kế toán.

Hộ kinh doanh: Hộ kinh doanh cá thể sẽ đóng mức thuế khoán cố định vào hàng tháng do cơ quan thuế ấn định và lệ phí môn bài tùy theo doanh thu/năm. Chế độ kế toán gọn nhẹ, dễ khai báo.

Về việc xuất hóa đơn

Doanh nghiệp: DN được  xuất hóa đơn.

Hộ kinh doanh: Không được xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT), trường hợp khách hàng muốn xuất hóa đơn thì chủ hộ phải lên cơ quan thuế quản lý mua hóa đơn (Hóa đơn bán hàng trực tiếp) cho khách hàng.

Việc lựa chọn hộ kinh doanh hay DN tùy thuộc vào mong muốn phát triển việc kinh doanh của mỗi cá nhân với mục tiêu đảm bảo quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm theo hình thức tổ chức kinh doanh phù hợp với quy mô và phạm vi hoạt động.

LS Phạm Thị Bích Hảo

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *