Hợp đồng ủy quyền là gì ?.

Hợp đồng ủy quyền là gì, được sử dụng trong trường hợp nào ? Tham khảo bài viết dưới đây của Zluat để giải đáp thắc mắc nhé.

Hợp đồng ủy quyền

Hợp đồng ủy quyền là gì ?

Trên thực tế, không phải bao giờ cá nhân hoặc pháp nhân cũng có thể trực tiếp tham gia vào các quan hệ xã hội. Vì vậy, pháp luật cho phép họ có thể ủy quyền cho người khác thay mặt mình thực hiện các giao dịch đó.

Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa về hợp đồng ủy quyền như sau:

“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Căn cứ quy định pháp luật, có thể hiểu hợp đồng ủy quyền là căn cứ phát sinh quan hệ ủy quyền (bên cạnh Giấy ủy quyền). Trên cơ sở hợp đồng ủy quyền, người được ủy quyền thay mặt người ủy quyền thực hiện một số hành vi nhất định làm phát sinh hậu quả pháp lí, liên quan đến quyền lợi của các bên trong quan hệ hợp đồng hoặc lợi ích của người đã ủy quyền.

Đặc điểm pháp lí của Hợp đồng ủy quyền

Thứ nhất, Hợp đồng ủy quyền là hợp đồng song vụ.

Bên ủy quyền có quyền yêu câu bên được ủy quyền thực hiện đúng phạm vi ủy quyền và có nghĩa vụ cung cấp thông tin, các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện công việc của bên ủy quyền.

Bên được ủy quyền phải thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ được ủy quyền trong quan hệ với người thứ ba.

Thứ hai, Hợp đồng ủy quyền là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù.

Nếu bên thực hiện việc ủy quyền nhận thù lao thì hợp đồng ủy quyền là hợp đồng có đền bù. Nếu bên thực hiện việc ủy quyền không nhận thù lao mà thực hiện công việc ủy quyền mang tính chất giúp đỡ, tương tự bên ủy quyền thì đó là hợp đồng không có đền bù.

Hình thức và thời hạn của Hợp đồng ủy quyền

Hợp đồng ủy quyền phải được lập thành văn bản; nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định, thì hợp đồng ủy quyền phải có chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. (Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015)

Người được ủy quyền có thể ủy quyền lại cho người khác

Pháp luật cho phép bên được ủy quyền có thể ủy quyền lại cho người khác. Việc ủy quyền lại chỉ có giá trị pháp lý khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

  • Có sự đồng ý của bên ủy quyền;
  • Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được;
  • Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.

Lưu ý, việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.

Các bên trong hợp đồng ủy quyền

Bên ủy quyền

Bên ủy quyền có thể là cá nhân hoặc pháp nhân, ủy quyền cho người khác, nhân danh mình thực hiện toàn bộ hoặc một số hoạt động nhất định. Bên ủy quyền phải xác định rõ phạm vi quyền, nghĩa vụ mà người đại diện cho mình sẽ thực hiện.

Bên ủy quyền có nghĩa vụ cung cấp các thông tin, phướng tiện cần thiết cho bên được ủy quyền thực hiện công việc được ủy quyền và phải chịu trách nhiệm về những hành vi pháp lí do người được ủy quyền thực hiện trong phạm vi được ủy quyền; có nghĩa vụ nhận kết quả công việc mà người được ủy quyền đã thực hiện; thanh toán các chi phí cần thiết mà người được ủy quyền đã bỏ ra, trả tiền thù lao theo thỏa thuận (Điều 567 Bộ luật Dân sự 2015).

Bên ủy quyền có quyền kiểm soát việc thực hiện hành vi trong phạm vi ủy quyền của bên được ủy quyền. Nếu bên được ủy quyền thực hiện nghĩa vụ của mình không đúng hoặc có thể gây thiệt hại, bên ủy quyền có thể đình chỉ việc ủy quyền bất cứ lúc nào. Sau khi bên được ủy quyền thực hiện xong các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng ủy quyền, bên ủy quyền có quyền yêu cầu bên được ủy quyền phải chuyển giao tài sản, các giấy tờ, phương tiện cần thiết thực hiện việc ủy quyền, trừ trường hợp phương tiện, giấy tờ không còn do việc thực hiện nhiệm vụ ủy quyền.

Bên được ủy quyển

Bên được ủy quyền được phép thực hiện các hoạt động trong phạm vi được ủy quyền. Khi thực hiện việc ủy quyền mà gây thiệt hại cho bên kia thì bên ủy quyền phải chịu trách nhiệm. Ngược lại, người được ủy quyền nếu thực hiện các hành vi vượt quá giới hạn được ủy quyền thì phải tự mình chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá thẩm quyền đó. Điều này có ý nghĩa để xác định trách nhiệm dân sự và xác định địa vị pháp lý khi tham gia tố tụng của mỗi người trong quan hệ ủy quyền và giao dịch đối với người khác.

Bên được ủy quyền có quyền yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết nhằm thực hiện công việc ủy quyền (khoản 1 Điều 566 Bộ luật Dân sự 2015).

Theo hợp đồng ủy quyền, người được ủy quyền phải trực tiếp thực hiện nghĩa vụ của mình mà không được ủy quyền lại cho người khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Để thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, bên được ủy quyền có thể yêu cầu người khác trợ giúp mình thực hiện công việc đó. Trường hợp này người thứ ba không phải gánh chịu nghĩa vụ nào đối với người ủy quyền. Người thứ ba thực hiện các công việc thực tế mà không phải là các hành vi pháp lí.

Hết hạn của hợp đồng hoặc khi thực hiện xong việc được ủy quyền, bên được ủy quyền phải giao lại kết quả công việc và giấy tờ, phương tiện đã nhận từ bên ủy quyền (khoản 5 Điều 565 Bộ luật Dân sự 2015).

Nếu trong hợp đồng ủy quyền có thỏa thuận về việc trả thù lao thì sau khi đã hoàn thành việc ủy quyền, bên được ủy quyền có quyền yêu cầu bên ủy quyền trả thù lao như thỏa thuận và thanh toán những chi phí cần thiết trong quá trình thực hiện ủy quyền.

Như vậy, Zluat đã giải đáp thắc mắc của các bạn về Hợp đồng ủy quyền là gì. Trong trường hợp quý khách có bất kỳ các vấn đề nào gặp khó khăn đừng ngần ngại liên hệ Zluat để được hỗ trợ trực tiếp bởi Luật sư Lâm Hoàng Quân, Luật sư Trịnh Văn Long và các Luật sư giàu kinh nghiệp khác.

Điện thoại: 0906.719.947

Gmail: lienhe.luatvn@gmail.com

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *