Khi nào thì hành vi quấy rối người tiêu dùng là vi phạm pháp luật?.

Thế nào là hành vi quấy rối người tiêu dùng? Khi nào thì hành vi quấy rối người tiêu dùng là vi phạm pháp luật? Hãy cùng Zluat tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Khi nào thì hành vi quấy rối người tiêu dùng là vi phạm pháp luật?

Thế nào là hành vi quấy rối người tiêu dùng?

Theo khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 giải thích quấy rối người tiêu dùng là hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người tiêu dùng để giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hoặc đề nghị giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng, gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.

Khi nào thì hành vi quấy rối người tiêu dùng là vi phạm pháp luật?

Căn cứ khoản 2 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định như sau:

“Điều 10. Các hành vi bị cấm

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.

Theo đó, quấy rối người tiêu dùng bị xem là vi phạm pháp luật nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

– Tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên.

– Thực hiện hành vi khác (ngoài hoạt động tiếp thị) mà gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.

Quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa từ 02 lần trở lên bị phạt bao nhiêu?

Căn cứ Điều 59 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 59. Hành vi vi phạm về quấy rối người tiêu dùng

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

1. Quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên.

2. Có hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.”

Chiếu theo quy định này, cá nhân thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa từ 02 lần trở lên sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Lưu ý: Mức phạt tiền trên là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử lý tổ chức có hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa không?

Căn cứ khoản 1 Điều 81 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 44 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 81. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

…..”

Như đã phân tích ở trên, mức phạt tối đa đối với tổ chức có hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa từ 02 lần trở lên là 4.000.000 đồng (thấp hơn mức phạt tối đa mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử lý là 5.000.000 đồng).

Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có đủ thẩm quyền để xử phạt tổ chức thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa từ 02 lần trở lên.

Trên đây là toàn bộ quy định của pháp luật về Khi nào thì hành vi quấy rối người tiêu dùng là vi phạm pháp luật? Zluat xin gửi đến quý bạn đọc. Trường hợp có các thắc mắc cần giải đáp liên quan đến pháp luật quý bạn đọc có thể liên hệ Zluat để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư Lâm Hoàng QuânLuật sư Trịnh Văn Long và các Luật sư có kinh nghiệm khác.

Hotline: 0906.719.947,

Email: lienhe.luatvn@gmail.com

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *