Thế nào là sử dụng trái phép tài sản?.

(Zluat) – Hiện nay, việc sử dụng trái phép tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật xảy ra khá phổ biến. Vậy, pháp luật quy định thế nào về trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sử dụng trái phép tài sản”? Bạn đọc L.K.H hỏi.

Ảnh minh họa.

Trả lời về vấn đề trên, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, trong cuộc sống hàng ngày có thể dễ dàng bắt gặp các hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác như:

– Tiêu tiền do người khác chuyển khoản nhầm;

– Sử dụng xe cơ quan để chở khách ngoài kiếm thêm tiền;

– Kế toán tự ý lấy tiền của công ty đi gửi ngân hàng lấy lãi…

Mặc dù Bộ luật Hình sự không giải thích cụ thể thế nào là sử dụng trái phép tài sản, tuy nhiên căn cứ vào các ví dụ nêu trên có thể hiểu đây là hành vi sử dụng tài sản một cách trái phép, nhằm mục đích khai thác lợi ích tài sản một cách trái phép.

Theo đó, trước hết người phạm tội phải tìm cách chiếm hữu được tài sản, việc chiếm hữu tài sản có thể được thực hiện một cách công khai hợp pháp hoặc lén lút.

Tóm lại, điểm nổi bật của hành vi sử dụng trái phép tài sản là chiếm hữu tài sản nhằm mục đích vụ lợi chứ không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp nào sử dụng trái phép tài sản bị xử lý hình sự?

Tại khoản 1, Điều 177, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định như sau: “Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

Theo đó, người nào sử dụng tài sản của người khác nhằm mục đích vụ lợi nếu thuộc trường hợp dưới đây có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sử dụng trái phép tài sản”:

– Tài sản sử dụng trái phép trị giá từ 100 – dưới 500 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc

– Tài sản trị giá dưới 100 triệu đồng nhưng là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật Hình sự.

Về mức xử phạt:

Phạt hành chính:

Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng – 5.000.000 đồng (theo điểm đ, khoản 2, Điều 15, Nghị định 144/2021).

Đồng thời, người này bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép.

Xử lý hình sự:

Theo Điều 177, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, tội “Sử dụng trái phép tài sản” bị xử lý như sau:

– Hình phạt chính:

Khung 01:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng – 02 năm với hành vi “Sử dụng trái phép tài sản” của người khác:

+ Trị giá từ 100.000.000 đồng – dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc

+ Trị giá dưới 100.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa (trừ trường hợp quy định tại Điều 220, Bộ luật Hình sự).

Khung 02:

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng – 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 – 05 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

– Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng – dưới 1,5 tỉ đồng;

– Tài sản là bảo vật quốc gia;

– Phạm tội 02 lần trở lên;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

– Tái phạm nguy hiểm.

Khung 03:

Phạt tù từ 03 – 07 năm nếu phạm tội “Sử dụng trái phép tài sản” trị giá 1,5 tỉ đồng trở lên.

– Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng – 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.

TRẦN MINH

Chứng thực Giấy ủy quyền trong những trường hợp nào?

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *