Trách nhiệm thuộc về ai?.

(Zluat) – Việc xác định số lượng lớn người có GPLX mắc bệnh tâm thần đã làm phát sinh yêu cầu xác định trách nhiệm cấp GPLX cho những đối tượng này. Tuy nhiên, để xác định trách nhiệm thuộc về tài xế hay các tổ chức, cá nhân liên quan nào khác thì cần làm rõ các vấn đề: GPLX được cấp từ khi nào? Tình trạng sức khỏe của họ tại thời điểm cấp GPLX hay GPLX có do cơ quan có thẩm quyền cấp hay không?…

Luật sư Trần Xuân Tiền.

Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 6 tháng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Một trong những nội dụng quan trọng được quán triệt là công tác đăng ký và quản lý phương tiện. Đáng chú ý, qua công tác rà soát bộ thủ tục hành chính về đăng ký xe phục vụ triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4, Phòng CSGT đã đề xuất điều động phương tiện, nguồn nhân lực phục vụ phân cấp công tác đăng ký xe về cấp huyện. Đồng thời, tham mưu cho Công an TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị rà soát, xác định 4.089 người bị tâm thần, kiến nghị Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thu hồi giấy phép lái xe (GPLX), không cấp giấy phép lái xe đối với các trường hợp nêu trên.

Trước vấn đề trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, việc xác định số lượng lớn người có GPLX mắc bệnh tâm thần đã làm phát sinh yêu cầu xác định trách nhiệm cấp GPLX cho những đối tượng này. Tuy nhiên, để xác định trách nhiệm thuộc về tài xế hay các tổ chức, cá nhân liên quan nào khác thì cần làm rõ các vấn đề: GPLX được cấp từ khi nào? Tình trạng sức khỏe của họ tại thời điểm cấp GPLX hay GPLX có do cơ quan có thẩm quyền cấp hay không?…

Đối với các trường hợp người tham gia giao thông mắc bệnh tâm thần nhưng vẫn được cấp GPLX, cơ quan chức năng cần xác minh, điều tra điều kiện họ được cấp GPLX để có căn cứ xử lý các vi phạm của trung tâm sát hạch, cơ sở khám sức khỏe hay cơ quan, tổ chức khác. Bởi thực tế, không hiếm bắt gặp trường hợp, người dân không học thật, thi thật, đóng tiền chống trượt theo các cam kết “bao thi, bao đỗ, đóng tiền trọn gói để mua bằng” công khai, tràn lan trên các trang thông tin của trung tâm sát hạch nhưng vẫn có GPLX hay người thi không khám sức khỏe theo đúng quy định, chỉ khám qua loa, thậm chí có trường hợp trả tiền và cung cấp thông tin về chiều cao, cân nặng là đã có giấy khám sức khỏe với kết quả đủ điều kiện lái xe. Trong những trường hợp như vậy, bên cạnh ý thức còn hạn chế của một bộ phận người dân, các trung tâm sát hạch, cơ sở khám sức khỏe đã thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng nhiệm vụ của mình, dẫn đến một hệ quả là người mắc bệnh tâm thần vẫn có GPLX, gây nguy hiểm cho chính họ và những người tham gia giao thông khác.  

Do đó, nếu xác định tại thời điểm cấp giấy phép lái xe người này mắc bệnh tâm thần, không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông thì sẽ xem xét đến trách nhiệm liên đới của cơ quan cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người này cũng như đơn vị cấp phép để có căn cứ xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, hành vi cung cấp giấy khám sức khỏe cho người khác của đơn vị khám sức khỏe mà không thực hiện khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu thì có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng khi vi phạm quy định về khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, đơn vị khám sức khỏe và cấp GPLX có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 và đối diện với mức phạt tù lên đến 12 năm, người này còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bên cạnh đó, theo Luật sư, khi xử lý người tâm thần gây tai nạn giao thông trước hết phải làm rõ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của những người lái xe tại thời điểm gây tai nạn giao thông. Trong trường hợp người này có dấu hiệu tinh thần không tỉnh táo hoặc không có khả năng nhận thức điều khiển hành vi, cơ quan điều tra phải tiến hành trưng cầu giám định tâm thần để xem xét tiến hành thu hồi, hủy bỏ giấy phép lái xe cũng như trách nhiệm đặt ra đối với những người này.  

Cụ thể, người này nếu thực sự mắc bệnh tâm thần, không còn khả năng nhận thức nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự; và bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, xem xét trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan, đặc biệt là bên giao phương tiện cho những người điều khiển. Nếu những người này có đủ năng lực hành vi dân sự thì tùy thuộc vào hậu quả gây ra, họ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, những người này hoặc người giám hộ của họ còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 589, Điều 590, Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Luật sư Tiền khuyến cáo, những vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc người tâm thần điều khiển phương tiện giao thông đã gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc các cơ quan có thẩm quyền cần giám sát, thanh tra, kiểm tra, siết chặt quá trình cấp giấy phép lái xe từ khâu khám sức khỏe đến khâu sát hạch và cấp giấy phép phép lái xe. Bên cạnh đó, cần ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quá trình kiểm tra sức khỏe và hoạt động thi sát hạch để hạn chế thấp nhất khả năng gian lận, che mắt cơ quan chức năng để vượt qua các bài thi. 

PV

Hướng dẫn sử dụng biên lai điện tử theo quy định mới

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *