Bán Hàng Online Có Cần Phải Đăng Ký Kinh Doanh Không?.

Dưới sự tác động của công nghệ 4.0, việc mua bán online ngày càng trở thành xu hướng được đông đảo mọi người ưa chuộng. Nắm bắt được tình hình đó, kinh doanh online hiện đang thu hút rất nhiều cá nhân tham gia. Câu hỏi nhiều người đặt ra khi có ý tưởng bán hàng online là “bán hàng online có cần phải đăng ký kinh doanh không?”. Dưới đây, Zluat sẽ trả lời vấn đề này theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cơ sở pháp lý

Luật doanh nghiệp 2020

– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

– Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày 16/03/2007 về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh

– Thông tư 47/2014/TT-BTC quy định về quản lý website thương mại điện tử

Bán hàng online là gì?

Bán hàng online là hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ thông qua trên nền tảng trung gian nào đó được diễn ra khi có sự kết nối của mạng Internet. Cả người bán và người mua đều sử dụng thiết bị di động như điện thoại, máy tính, laptop… để làm phương tiện kết nối mà không cần phải gặp mặt hay đến trực tiếp nơi bán.

Bán hàng online có cần đăng ký kinh doanh không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định của Chính phủ số 39/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 03 năm 2007 về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh quy định như sau:

1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:

a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;

đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Như vậy, nếu việc kinh doanh buôn bán thuộc phạm vi quy định nêu trên thì sẽ không phải đăng ký kinh doanh. Đối với việc bán hàng online thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, theo quy định tại Điều 5 Thông tư 47/2014/TT-BTC quy định như sau:

“ Điều 5. Trách nhiệm thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử

1. Thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng phải thông báo với Bộ Công Thương theo quy định tại Mục 1 Chương II Thông tư này.

2. Thương nhân, tổ chức thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định tại Mục 2 Chương II Thông tư này.

3. Thương nhân, tổ chức thiết lập website thương mại điện tử vừa là website thương mại điện tử bán hàng vừa là website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải thông báo và đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định tại Chương II Thông tư này.”

Theo đó, chủ các sàn thương mại điện tử, các trang mạng có trách nhiệm thông báo, đăng ký với Bộ Công thương về việc cho phép cá nhân, tổ chức tham gia, tiến hành mua bán trên các trang mạng của họ. Cá nhân, tổ chức bán hàng online sẽ không phải đăng ký kinh doanh mà việc đăng ký sẽ do các trang mạng, sàn thương mại thực hiện.

Tuy người bán hàng online không phải đăng ký kinh doanh nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định nhất định theo luật định. Cụ thể nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định , người bán có trách nhiệm:

– Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.

– Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

– Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

– Thực hiện các quy định về giao kết hợp đồng theo quy định khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

– Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử.

– Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

– Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *