Thủ tục đăng ký bản quyền chương trình máy tính.

Sự phát triển của khoa học, công nghệ nói chung và chương trình máy tính nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Nhằm đảm bảo quyền sở hữu đối với chương trình máy tính, quyền tác giả đối với chương trình máy tính được pháp luật quy định cụ thể qua các văn bản pháp luật. Bài viết dưới đây, Zluat sẽ trình bày về thủ tục đăng ký bản quyền chương trình máy tính theo quy định của pháp luật

Cơ sở pháp lý

– Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (Luật Sở hữu trí tuệ 2005);

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009 (Luật Sở hữu trí tuệ 2009);

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022 (Luật Sở hữu trí tuệ 2022);

– Nghị định 17/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26 tháng 4 năm 2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Chương trình máy tính là gì?

Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định về chương trình máy tính (phần mềm máy tính) như sau:

Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng lệnh, mã, lược đồ hoặc dạng khác, khi gắn vào một phương tiện, thiết bị được vận hành bằng ngôn ngữ lập trình máy tính thì có khả năng làm cho máy tính hoặc thiết bị thực hiện được công việc hoặc đạt được kết quả cụ thể. Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.

Luật sở hữu trí tuệ 2022 đã có những bổ sung nhất định làm rõ hơn khái niệm về chương trình máy tính. Chương trình máy tính hay phần mềm máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học. 

Chương trình máy tính có được bảo hộ quyền tác giả không?

Theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bố sung tại khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 quy định:

Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả


1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:


m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

Như vậy, chương trình máy tính (phần mềm máy tính) là một trong những đối tượng đăng ký bảo hộ quyền tác giả theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu tác phẩm và tác giả (người sáng tạo ra tác phẩm phần mềm), cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài cũng có quyền đăng ký bản quyền phần mềm tại Việt Nam.

Các quyền nhân thân đối với chương trình máy tính được bảo hộ?

Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bố sung tại khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định các quyền nhân thân đối với chương trình máy tính được bảo hộ bao gồm:

– Đặt tên cho tác phẩm. Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này;

– Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

– Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. 

Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đã bổ sung thêm quy định cho phép tác giả có quyền chuyển sử dụng quyền đặt tên cho tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2022.

Các quyền tài sản đối với chương trình máy tính được bảo hộ

Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bố sung tại khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định các quyền tài sản bao gồm:

– Làm tác phẩm phái sinh;

– Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;

– Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này

– Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này; đ) Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn;

– Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, trừ trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chính của việc cho thuê

Có thể thấy, Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đã có những bổ sung đầy đủ hơn về quyền tài sản như quy định rõ về quyền biểu diễn rác phẩm trước công chúng có thể qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được; sao chép qua 02 hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào khác….

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định Chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hành vi sau đây:

– Sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này; sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại;

– Phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản gốc, bản sao tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối. 

Quyền tác giả đối với chương trình máy tính

Điều 12 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định về quyền tác giả đối với chương trình máy tính như sau:

– Tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ.

– Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ; chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ.

-Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp bản sao chương trình máy tính được sửa lỗi trên bản sao chương trình máy tính đó trong trường hợp cần thiết cho việc sử dụng.

– Quyền cho thuê chương trình máy tính quy định tại điểm e khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc cho thuê để khai thác, sử dụng có thời hạn.

– Quyền cho thuê đối với chương trình máy tính không áp dụng trong trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chủ yếu để cho thuê quy định tại điểm e khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ như chương trình máy tính gắn với việc vận hành bình thường các loại phương tiện giao thông hoặc các máy móc, thiết bị kỹ thuật khác.

Hồ sơ đăng ký bản quyền phần mềm

Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2022, khoản 1 Điều 39 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:

– Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan (theo mẫu) do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ;

– 02 bản sao tác phẩm (bao gồm cả bản điện tử) hoặc 02 bản sao bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng;

– Văn bản ủy quyền nếu người nộp hồ sơ là người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 38 của Nghị định này;

– Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền:

+ Tài liệu chứng minh nhân thân đối với cá nhân: 01 bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;

+ Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý đối với tổ chức: 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập hoặc Quyết định thành lập;

+ Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo là quyết định giao nhiệm vụ hoặc xác nhận giao nhiệm vụ cho cá nhân thuộc đơn vị, tổ chức đó;

+ Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao kết hợp đồng sáng tạo là hợp đồng, thể lệ, quy chế tổ chức cuộc thi;

+ Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được thừa kế là văn bản xác định quyền thừa kế có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;

+ Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được chuyển giao quyền là hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, mua bán, góp vốn bằng văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;

Trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả phải có văn bản cam đoan về việc tự sáng tạo và sáng tạo theo quyết định hoặc xác nhận giao việc; hợp đồng; tham gia cuộc thi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan.

+ Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo quy định tại khoản này phải là bản gốc hoặc bản sao có công chứng, chứng thực;

– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

–  Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung;

– Trường hợp trong tác phẩm có sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó theo quy định của pháp luật.

Trình tự đăng ký bản quyền phần mềm

Bước 1: Chuẩn bị tài liệu cần thiết và soạn hồ sơ đăng ký bản quyền phần mềm

Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký phần mềm máy tính tới Cục bản quyền tác giả

Bước 4: Theo dõi hồ sơ đăng ký bản quyền phần mềm tại Cục bản quyền tác giả

Bước 5: Cấp giấy chứng nhận đăng ký phần mềm cho chủ sở hữu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *