Sinh thời Bác Hồ đã chỉ rõ:“Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng” và biện pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chính là giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Người nói: “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.
Chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu
1. Quan niệm về tham nhũng, lãng phí của Hồ Chí Minh
Chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu là mối quan tâm lớn, thường xuyên của Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí là tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Hồ Chí Minh chỉ rõ bản chất của tham ô: là lấy của công làm của tư, là gian lận tham lam, tham ô là trộm cướp. Hồ Chí Minh nêu ra một khái niệm khái quát, làm rõ bản chất tham ô:
“Tham ô là gì?
– Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là:
Ăn cắp của công làm của tư
Đục khoét của nhân dân
Ăn bớt của bộ đội.
Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô.
– Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là:
Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”[1].
Theo Hồ Chí Minh, đặc trưng của hành vi tham ô là biến “của công” thành “của tư”. “Của công” chính là tài sản của nhân dân, do nhân dân đóng góp, phục vụ mục đích chung là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. “Của công” thành “của tư” tức là tài sản chung khi không nhằm phục vụ mục đích chung mà chỉ dành làm của riêng, quỹ riêng cho một tập thể, một địa phương.
Bất cứ hành vi lấy “của công” làm “của tư” nào cũng đều bị Hồ Chí Minh coi là hành vi tham ô. Đây chính là hành vi tham ô hiểu theo nghĩa rộng. Theo nghĩa này, chủ thể của hành vi tham ô không chỉ là cán bộ, công chức – những người nắm chức vụ, quyền hạn nhất định trong bộ máy nhà nước. Người dân bình thường, nếu “ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế” cũng có thể là chủ thể của hành vi tham ô.
Sâu sắc hơn nữa, Hồ Chí Minh còn chỉ ra một hình thức tham ô tinh vi, rất khó nhận thấy trong cuộc sống đời thường, đó là tham ô gián tiếp. Hồ Chí Minh nêu ra một ví dụ về tham ô gián tiếp: “Thí dụ: một cán bộ, Chính phủ, nhân dân trả lương hằng tháng đều cho, nhưng lại kém lòng trách nhiệm, đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, ăn cắp giờ của Chính phủ, của nhân dân”[2]. Đây là hình thức tham ô đặc biệt, tuy không nhanh chóng gây hậu quả nghiêm trọng như những hành vi trực tiếp chiếm đoạt tài sản công, nhưng tham ô gián tiếp xảy ra hằng ngày, thường xuyên, liên tục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, hiệu lực của quản lý nhà nước, là một trong những mối nguy hại lớn đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước.
2. Nguyên nhân của tệ tham ô, lãng phí
Tham ô, lãng phí là những tệ nạn nguy hiểm. Muốn chống tham ô, lãng phí hiệu quả, cần phải tìm hiểu nguồn gốc, nguyên nhân của chúng. Hồ Chí Minh đã nói: “Tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra”[3]. Người chỉ rõ tệ quan liêu chính là căn nguyên sâu xa, nguyên nhân trực tiếp, là điều kiện của tham ô, lãng phí. Người khẳng định nơi nào có tệ quan liêu thì ở đó có tham ô, lãng phí; mà quan liêu càng nặng thì tham ô, lãng phí càng nhiều.
Theo Hồ Chí Minh, quan liêu là “bệnh giấy tờ, bệnh hình thức, không thực tế, là xa cách quần chúng, không theo đường lối quần chúng, làm không đúng chính sách của Chính phủ và của đoàn thể”2. Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không đi sâu đi sát công việc, việc gì cũng không nắm vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung. Quan liêu là xa rời quần chúng, không rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình, không lắng nghe ý kiến của quần chúng, sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của người cán bộ mắc bệnh quan liêu là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách.
Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ mắc bệnh quan liêu còn có biểu hiện như: “Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn”3. Khi triển khai thực hiện công việc của bản thân, giao nhiệm vụ cho cấp dưới mà không biết kiểm tra thì sẽ không có điều kiện giải thích, hướng dẫn, đôn đốc cấp dưới, không kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hay xử lý vi phạm, điều này dẫn đến công việc không có hiệu quả, gây thiệt hại về tài sản, tiền bạc, công sức của Nhà nước, của nhân dân.
3. Tác hại của tệ tham ô, lãng phí, quan liêu
Hồ Chí Minh khẳng định quan liêu, tham ô, lãng phí là “bạn đồng minh của thực dân, phong kiến”, “Kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ”[4]. Bởi vì, tham ô, lãng phí có tác hại rất lớn. Trước hết và trực tiếp, nó gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Cán bộ được giao quản lý tài sản của Nhà nước, của nhân dân, tài sản do những nước bạn đóng góp, giúp đỡ để phục vụ cho kháng chiến, kiến quốc, nâng cao đời sống của nhân dân. Nhưng do chủ nghĩa cá nhân, tư lợi, một số cán bộ đã tham ô, chiếm đoạt của công, biến của công thành của tư, xâm phạm đến tài sản của Nhà nước, của tập thể, làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân.
Tham ô, lãng phí làm tha hoá, suy thoái đạo đức cách mạng của cán bộ, phá hoại tinh thần trong sạch, ý chí vượt khó của cán bộ, nhân dân, xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Hồ Chí Minh khẳng định: phần đông cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công nhân viên chức ta đều trong sạch, tận tụy, đều mang bản chất, đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính. Họ không ngại gian khổ, hy sinh vì cách mạng, vì nhân dân. Nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ do tham ô, quan liêu, lãng phí, do mưu lợi cá nhân đã thoái hoá, biến chất, không giữ được đạo đức cách mạng. Điều này làm giảm sức chiến đấu của Đảng, giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, làm hại đến sự nghiệp cách mạng.
Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, cả nước phải huy động và đã huy động được mọi nguồn lực: của cải vật chất, công sức, tinh thần… Vì sự nghiệp cách mạng của đất nước, “chiến sĩ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp”[5]. Những kẻ tham ô, lãng phí đã chiếm đoạt, đã phí phạm, huỷ hoại những nguồn lực ấy. Điều này dẫn đến một hậu quả nguy hại lớn hơn nữa đó là sự cản trở, phá hoại sự nghiệp cách mạng, “làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta”.
4. Về vai trò, ý nghĩa của công tác chống tham nhũng
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rằng, chống tham ô, lãng phí là cách mạng, là dân chủ.
Sự nghiệp cách mạng do toàn thể hệ thống chính trị, toàn thể quần chúng nhân dân tiến hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đấu tranh giành độc lập dân tộc, tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến, xây dựng đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa là nội dung, mục tiêu của cách mạng. Hồ Chí Minh khẳng định: “tham ô, lãng phí, quan liêu là những xấu xa của xã hội cũ”[6], tham ô là đặc trưng, gắn liền với thực dân, phong kiến. Đấu tranh chống thực dân, phong kiến, xây dựng xã hội mới phải bao hàm cả đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Cách mạng không thể thành công hoàn toàn nếu vẫn còn tham ô, lãng phí. Vì vậy, chống tham ô, lãng phí là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng của cách mạng.
Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Quyền lực thuộc về nhân dân. Tất cả tài sản là của nhân dân. Nhân dân đóng góp mồ hôi xương máu, tiền của cho công cuộc kháng chiến, xây dựng đất nước. Vì vậy, bảo vệ tài sản công, chống tham ô, lãng phí là bảo vệ tài sản của nhân dân, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”2. Dân chủ tức là nhân dân làm chủ. Cán bộ là người được giao quản lý tài sản để thực hiện các nhiệm vụ do nhân dân giao phó. Vì vậy, nhân dân có quyền và nghĩa vụ giám sát, phê bình cán bộ, đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, tham ô, lãng phí. Sự tham gia của quần chúng quyết định sự thành công của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí. Quần chúng tham gia tích cực, đông đảo thì cuộc đấu tranh càng mang lại hiệu quả cao. Hồ Chí Minh khẳng định: “Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”. [7]
5. Quan điểm chỉ đạo công tác phòng, chống tham ô, lãng phí
Công tác chống tham ô, lãng phí rất quan trọng, cần phải được tất cả các cấp, các ngành quan tâm và tiến hành thường xuyên. Cũng như các mặt trận khác, muốn giành thắng lợi trên mặt trận chống tham ô, lãng phí, chúng ta phải nắm được quan điểm chỉ đạo cuộc đấu tranh trên mặt trận đó. Hồ Chí Minh nêu rõ: “phải có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”2. Đấu tranh chống tham ô, lãng phí cần phải bằng hệ thống các biện pháp đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Cùng với việc xây dựng cơ chế phòng, chống, tấn công tham ô, lãng phí trên tất cả các lĩnh vực, cần xác định và tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm. Yếu tố quan trọng, quyết định hiệu lực, hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí chính là công tác lãnh đạo. Sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng, thông qua các chủ trương, chính sách mang tính chỉ đạo, thông qua các cấp uỷ đảng quyết định sự thành bại của cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu.
Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh phải kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục và cưỡng chế, trong đó lấy tuyên truyền, giáo dục là nền tảng, cơ sở. Người nói: “Trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, giáo dục là chính, trừng phạt là phụ”[8]. Việc tuyên truyền, giáo dục cần được đặc biệt coi trọng, làm sao để cán bộ hiểu được sự nguy hại, xấu xa của tham ô, lãng phí, từ đó có các hành động tích cực nhằm phòng, chống. Đồng thời, công tác tuyên truyền, giáo dục sẽ giúp nêu gương tốt, lên án các hành vi tham ô, lãng phí, góp phần tích cực vào việc ngăn chặn nạn tham ô, lãng phí. Nhưng khi cần thiết, đối với những người đã suy thoái về đạo đức, không chịu rèn luyện, cố tình tư lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước, của nhân dân, phá hoại sự nghiệp cách mạng, phải bị xử lý nghiêm khắc để bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật và để răn đe, làm gương cho những người khác.
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, t.6, tr.488.[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.436.[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.394, 394, 489.[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.490.[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.490.[6], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.494, 495.[7], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.495, 490.[8]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.497.[9]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.576.[10]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.395.[11]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.81.[12]. Thanh tra Nhà nước: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thanh tra, tr.73.✅ Dịch vụ thành lập công ty | ⭕ Zluat cung cấp dịch vụ thành lập công ty/ thành lập doanh nghiệp trọn vẹn chuyên nghiệp đến quý khách hàng toàn quốc |
✅ Đăng ký giấy phép kinh doanh | ⭐ Thủ tục bắt buộc phải thực hiện để cá nhân, tổ chức được phép tiến hành hoạt động kinh doanh của mình |
✅ Dịch vụ ly hôn | ⭕ Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn ly hôn, chúng tôi tin tưởng rằng có thể hỗ trợ và giúp đỡ bạn |
✅ Dịch vụ kế toán | ⭐ Với trình độ chuyên môn rất cao về kế toán và thuế sẽ đảm bảo thực hiện báo cáo đúng quy định pháp luật |
✅ Dịch vụ kiểm toán | ⭕ Đảm bảo cung cấp chất lượng dịch vụ tốt và đưa ra những giải pháp cho doanh nghiệp để tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh hay các hoạt động khác |
✅ Dịch vụ làm hộ chiếu | ⭕ Giúp bạn rút ngắn thời gian nhận hộ chiếu, hỗ trợ khách hàng các dịch vụ liên quan và cam kết bảo mật thông tin |
- Dịch vụ mở đại lý yến sào tại thị xã Quảng Yên.
- Quy định về mua bán sáp nhập doanh nghiệp (Cập nhật 2023).
- Mẫu đơn LY HÔN ĐỒNG THUẬN và ĐƠN PHƯƠNG tại Mai Hạ, Mai Châu, Hoà Bình, chỉ từ 50.000 đồng, thanh toán ONLINE, TẢI VỀ và đi nộp tòa NGAY – Luật sư Lâm Hoàng Quân.
- Thủ tục ly hôn với người nước ngoài tranh chấp tài sản và nợ chung trọn gói tại Suối Tiên, Diên Khánh, Khánh Hòa
- Thủ tục ly hôn với người nước ngoài thoả thuận quyền nuôi con nhanh chóng tại Nhị Bình, Châu Thành, Tiền Giang