Với những ưu điểm của hộ kinh doanh như thủ tục đăng ký đơn giản, quy mô gọn nhẹ, phù hợp với cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ việc chủ thể có nhu cầu lựa chọn mô hình hộ kinh doanh ngày càng nhiều. Vậy pháp luật hiện hành quy định thế nào về hộ kinh doanh? Hộ kinh doanh có phải là doanh nghiệp không? Nội dung bài viết dưới đây của Zluat sẽ trình bày cụ thể về vấn đề này.
Khái niệm hộ kinh doanh
Căn cứ tại khoản 1 điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về khái niệm hộ kinh doanh như sau:
“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”
Đặc điểm của hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh có 03 đặc điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân. Bởi mọi tài sản trong hộ kinh doanh đều là tài sản của cá nhân tạo lập nó, không đáp ứng được sự độc lập về tài chính.
Thứ hai, hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh nhỏ lẻ với nhiều địa điểm và không giới hạn số lượng lao động.
Thứ ba, chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn trong hoạt động kinh doanh. Theo đó, nếu tài sản kinh doanh không đủ để trả nợ thì hộ kinh doanh phải lấy cả tài sản không đầu tư vào hộ kinh doanh để trả nợ.
Hộ kinh doanh có phải là doanh nghiệp không?
Theo quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 thì: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.”
Theo đó, doanh nghiệp là một tổ chức có tên riêng, có trụ sở và tài sản riêng, được thành lập theo quy định của pháp luật. Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều các loại hình doanh nghiệp với các loại hình doanh nghiệp khác nhau như: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh…
Xem thêm: Những điều kiện để thành lập hộ kinh doanh tại Hà Nội
Căn cứ theo quy định về hộ kinh doanh tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP và quy định về khái niệm doanh nghiệp vừa trình bày thì hộ kinh doanh không được xem là doanh nghiệp bởi những lý do sau:
Thứ nhất, về quy mô kinh doanh. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một hộ gia đình thành lập với quy mô sản xuất đơn giản, chủ yếu dựa vào sức lao động thủ công và công cụ lao động truyền thống, năng suất thấp. Trong khi đó doanh nghiệp thường hoạt động với phạm vi lớn và ổn định, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trình độ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ cao như ngành tài chính, xây dựng…
Thứ hai, hộ kinh doanh không phải là một thực thể độc lập vì không có dấu tròn, không cần vốn pháp định, không có tài sản độc lập, không viết hóa đơn GTGT, không làm báo cáo tài chính cho sở thuế cũng như không ký kết các hợp đồng kinh tế. Trong khi đó doanh nghiệp thì được pháp luật quy định rất rõ ràng và chặt chẽ về số vốn, chế độ thuế và dấu tròn doanh nghiệp và được ký kết các hợp đồng kinh tế.
Thứ ba, hộ kinh doanh không phải là một chủ thể pháp lý. Các thành viên là cá nhân tham gia hộ kinh doanh đó mới là chủ thể pháp lý. Bởi những cá nhân này chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh. Hộ kinh doanh chỉ là cách gọi chung cho những nhóm cá nhân kinh doanh với trách nhiệm vô hạn.