Cưỡng ép kết hôn là gì?.

Cuong-ep-ket-hon-bi-phat-nhu-the-nao-2-300x200.jpg

Cưỡng ép kết hôn là một tình trạng vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện nay. Do đó pháp luật đã quy định những chế tài xử lý đối với hành vi cưỡng ép kết hôn. Vậy hiểu thế nào cho đúng về cưỡng ép kết hôn? Để rõ hơn về vấn đề này, bài viết dưới đây của Công ty Luật Zluat sẽ cung cấp thông tin về Cưỡng ép kết hôn là gì? Mời các bạn tham khảo.

Cuong Ep Ket Hon
Cưỡng ép kết hôn là gì?

1. Kết hôn là gì?

Theo khoản 5 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014, Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

Như vậy, kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân. Khi kết hôn, các bên nam nữ phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn được Luật hôn nhân và gia đình quy định và phải đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn có thẩm quyền thì việc kết hôn đó mới được công nhận là hợp pháp và giữa các bên nam nữ mới phát sinh quan hệ vợ chồng trước pháp luật.

2. Điều kiện kết hôn

Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo 04 điều kiện sau đây:

– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

Trước đây Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đều quy định độ tuổi kết hôn là “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên” dẫn đến cách hiểu là nam bắt đầu bước sang tuổi 20, nữ bắt đầu bước sang tuổi 18 đã đủ điều kiện kết hôn. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định chặt chẽ hơn khi bổ sung thêm từ “đủ” vào độ tuổi, có nghĩa nam phải tròn 20 tuổi không thiếu 01 ngày, nữ phải tròn 18 tuổi không thiếu 01 ngày mới đủ tuổi kết hôn.

– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

Quy định này nhằm đề cao tính độc lập về suy nghĩ và sự tự nguyện, chủ động quyết định dựa trên tình cảm, tình yêu của mỗi bên nam, nữ khi kết hôn. Đây cũng là đặc điểm quan trọng của chế độ hôn nhân tiến bộ, khác với chế độ hôn nhân cổ hủ thời phong kiến với quan niệm “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, ép buộc một bên hoặc cả 02 bên nam nữ phải kết hôn trái với ý chí, nguyện vọng, tình cảm của mình.

– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

Năng lực hành vi dân sự là khả năng của cá nhân trong việc nhận thức, điều khiển hành vi của mình xác lập quyền, thực hiện nghĩa vụ dân sự với cá nhân, tổ chức khác.

Người bị mất năng lực hành vi dân sự là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Nếu người bị mất năng lực hành vi dân sự kết hôn với người khác sẽ không đạt được mục tiêu xây dựng được gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; sẽ ảnh hưởng đến khả năng quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ người bạn đời của mình cũng như các thành viên khác trong gia đình. Chưa kể người bị mất năng lực hành vi dân sự kết hôn với người khác có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản hoặc tạo ra các thế hệ cũng bị mất năng lực hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Khoản 5 Điều 10 của Luật HN&GĐ năm 2000 quy định cấm kết hôn “giữa những người cùng giới tính” còn khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Quy định như vậy có nghĩa là Nhà nước sẽ không công nhận mối quan hệ hôn nhân của những người cùng giới tính là hợp pháp, không chấp nhận cho họ làm thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Những người cùng giới có thể làm lễ cưới, thực hiện các nghi thức kết hôn như những cặp đôi nam nữ bình thường khác tuy nhiên pháp luật lại không công nhận mối quan hệ của họ là hôn nhân hợp pháp, việc họ ăn ở chung với nhau không làm phát sinh quyền, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm như vợ chồng hợp pháp có đăng ký kết hôn.

3. Cưỡng ép kết hôn là gì? 

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ. Cụ thể:

+ Hành hạ, ngược đãi là đối xử tàn ác, tồi tệ đối với người khác gây đau khổ về thể xác hoặc tinh thần kéo dài, như: thường xuyên đánh đập (có thể không gây thương tích), giam hãm, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, nhiếc móc, làm nhục v.v… nhằm mục đích cưỡng ép việc kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Cần lưu ý rằng, hành vi hành hạ, ngược đãi là thủ đoạn của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cho nên không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội hành hạ, ngược đãi quy định tại Điều 110 hoặc Điều 151 Bộ luật hình sự.

+ Uy hiếp tinh thần là đe dọa sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, tài sản hoặc lợi ích thiết thân của người bị đe doạ làm cho người đó có căn cứ để lo sợ thực sự mà phải chịu khuất phục như đe doạ sẽ đốt nhà, giết người thân, tiết lộ bí mật đời tư của người bị đe doạ, bố mẹ hoặc người thân trong gia đình đe doạ sẽ tự tử nếu hai bên nam nữ lấy nhau, con đe doạ là sẽ bỏ nhà hoặc tự tử nếu bố, mẹ lấy vợ, lấy chồng mới v.v…

+ Yêu sách của cải là đòi hỏi của cải một cách quá đáng, không nhân nhượng và coi đó là một trong những điều kiện để được kết hôn nhằm cản trở hôn nhân tự nguyện giữa đôi bên nam nữ.

+ Thủ đoạn khác có thể là buộc một bên hoặc cả hai bên đi xa nhằm chia rẽ họ; bắt cóc người không muốn lấy mình làm vợ hoặc làm chồng để buộc họ phải kết hôn trái ý muốn; một bên gia đình tiến hành dựng vợ, gả chồng cho người thân của mình với người khác trái với ý muốn của người đó nhằm chia rẽ người thân đó với người mà họ muốn tự nguyện kết hôn; v.v…

4. Cưỡng ép kết hôn bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc kết hôn phải do nam nữ tự nguyện quyết định. Hành vi cưỡng ép kết hôn là một trong những hành vi bị pháp luật cấm theo quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Xử phạt hành chính:

Luật Hôn nhân gia đình 2014 đã quy định về việc cấm cưỡng ép kết hôn; cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Vì vậy, Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính người có hành vi cưỡng ép kết hôn như sau:

“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  1. Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác.
  2. Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác”.

Theo đó, đối với hành vi hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc các thủ đoạn khác để cưỡng ép người khác kết hôn thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định.

Trách nhiệm hình sự:

Ngoài ra, nếu hành vi cưỡng ép kết hôn đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn cố tình tái phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo quy định tại Điều 181 Bộ luật hình sự 2015 thì:

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”

Theo đó, tại Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015 thì nếu người nào có hành vi cưỡng ép kết hôn đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

Trên đây là tất cả thông tin về Cưỡng ép kết hôn là gì? mà Công ty Luật Zluat cung cấp tới các bạn đọc giả. Nếu các bạn đọc giả còn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý nào liên quan đến bài viết hoặc những vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với Công ty Luật Zluat để nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ luật sư và các tác giả. Chúng tôi luôn sẵn lòng giải đáp thắc mắc của các bạn đọc. Trân trọng!

 

✅ Dịch vụ thành lập công ty ⭕ Zluat cung cấp dịch vụ thành lập công ty/ thành lập doanh nghiệp trọn vẹn chuyên nghiệp đến quý khách hàng toàn quốc
✅ Đăng ký giấy phép kinh doanh ⭐ Thủ tục bắt buộc phải thực hiện để cá nhân, tổ chức được phép tiến hành hoạt động kinh doanh của mình
✅ Dịch vụ ly hôn ⭕ Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn ly hôn, chúng tôi tin tưởng rằng có thể hỗ trợ và giúp đỡ bạn
✅ Dịch vụ kế toán ⭐ Với trình độ chuyên môn rất cao về kế toán và thuế sẽ đảm bảo thực hiện báo cáo đúng quy định pháp luật
✅ Dịch vụ kiểm toán ⭕ Đảm bảo cung cấp chất lượng dịch vụ tốt và đưa ra những giải pháp cho doanh nghiệp để tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh hay các hoạt động khác
✅ Dịch vụ làm hộ chiếu ⭕ Giúp bạn rút ngắn thời gian nhận hộ chiếu, hỗ trợ khách hàng các dịch vụ liên quan và cam kết bảo mật thông tin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang