Quyền tác giả? Quyền liên quan đến quyền tác giả?.

Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã xây dựng và dần hoàn thiện hơn để quy định đầy đủ hơn về lĩnh vực quyền tác giả. Chế định quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả được ghi nhận trong các văn bản thuộc hệ thống pháp luật như hiến pháp, bộ luật dân sự, luật sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật có liên quan khác.

Căn cứ pháp lý

– Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (Luật Sở hữu trí tuệ 2005);

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009 (Luật Sở hữu trí tuệ 2009);

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022 (Luật Sở hữu trí tuệ 2022);

Khái niệm quyền tác giả

Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sở hữu trí năm 2009 quy định:

“Điều 4. Giải thích từ ngữ


2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.”

Có thể hiểu Quyền tác giả là phạm vi các quyền (bao gồm cá quyền nhân thân và quyền tài sản) của chủ thể (bao gồm tác giả và chủ sở hữu Quyền tác giả) đối với tác phẩm của họ được pháp luật ghi nhận và bảo hộ. Theo đó, quyền tác giả được dùng để bảo vệ các sáng tạo tinh thần có tính chất văn hóa không bị vi phạm bản quyền, như các bài viết về khoa học hay văn học, sáng tác nhạc, ghi âm, tranh vẽ, hình chụp, phim và các chương trình truyền thanh. Quyền này bảo vệ các quyền lợi cá nhân và lợi ích kinh tế của tác giả trong mối liên quan với tác phẩm. Hiểu một cách đơn giản, quyền tác giả cho phép tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả được độc quyền khai thác tác phẩm; chống lại việc sao chép, trình diễn bất hợp pháp. 

Đặc điểm của quyền tác giả

Thứ nhất, đối tượng của quyền tác giả là sản phẩm của hoạt động sáng tạo tinh thần. Lĩnh vực sáng tạo của quyền tác giả chủ yếu thiên về văn hóa, nghệ thuật để thỏa mãn nhu cầu tinh thần và nâng cao hiểu biết về các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học. Hơn nữa, tác phẩm-đối tượng của quyền tác giả phản ánh tư tưởng, tình cảm, phong cách, nhân sinh quan của người sáng tác, do nó thường chứa đựng nội dung tinh thần nhất định.

Thứ hai, quyền tác giả được tự động xác lập. Theo đó, quyền tác giả phát sinh một cách mặc nhiên, không phụ thuộc vào bất kỳ thể thức, thủ tục nào

Thứ ba, quyền tác giả chỉ bảo hộ về hình thức thể hiện tác phẩm, không bảo hộ ý tưởng sáng tạo. Các tác phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học chỉ có ý nghĩa khi công chúng có thể tiếp cận được nó, nên quyền tác giả chỉ được pháp luật bảo hộ khi tác phẩm được thể hiện thông qua hình thức nhất định để có thể nhận biết, xác định được tác phẩm. Hoạt động sáng tạo cần đến các nguồn chất liệu như; các ý tưởng, thông tin… Nguồn chất liệu này trong đó có các ý tưởng, chủ đề có thể coi là kho tài sản chung của xã hội và mọi người đều có thể sử dụng, vì vậy nó không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả. Do đó, pháp luật chỉ bảo hộ quyền tác giả đối với hình thức thể hiện tác phẩm mà hoàn toàn không bảo hộ chủ đề, tư tưởng trong tác phẩm.

Chủ sở hữu quyền tác giả

Căn cứ vào mối liên quan trong quá trình tạo ra tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả được chia làm hai loại là chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả.

Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả

Theo Điều 37 Luật sở hữu trí tuệ 2005:

“Điều 37. Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả


Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm có các quyền nhân và các quyền tài sản”

Tác giả của một tác phẩm đồng thời thừa nhận là chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó nếu tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm mà không phải thực hiện theo nhiệm vụ hoặc theo hợp đồng giao việc. Trường hợp này, tác phẩm là kết quả của sự đầu tư trí tuệ, thời gian, tài chính, cơ sở vật chất của chính tác giả. Việc tạo ra tác phẩm là do tác giả quyết định, không phải do người khác thuế hay giao nhiệm vụ cho tác giả sáng tạo. Với tư cách vừa là tác giả, vừa là chủ sở hữu Quyền tác nên toàn bộ các quyền nhân thân cũng như quyền tài sản có được từ tác phẩm sẽ thuộc về tác giả.

Bên cạnh tác giả thì còn có đồng tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả Điều 38, Luật sở hữu trí năm 2005 quy định:

“Điều 38. Chủ sở hữu quyền tác giả là đồng tác giả


Các đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm có chung các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm đó.


Các đồng tác giả sáng tạo ra tác phẩm nếu có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác thì có các quyền nhân thân và tài sản đối với phần riêng biệt đó.”

Nếu tác phẩm do nhiều người sử dụng thời gian tài chính, cơ sở vật chất kĩ thuật của mình để cùng tạo ra tác phẩm thì họ là đồng tác giả và đồng thời là đồng chủ sở hữu QTG đối với tác phẩm đó. Về bản chất, đồng tác giả trong trường hợp này là các chủ sở hữu chung hợp nhất, có chung các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm.

Chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả

Chủ sở hữu Quyền tác giả không đồng thời là tác giả trong những trường hợp như: tác giả sáng tạo ra tác phẩm theo nhiệm vụ, theo hợp đồng hoặc tác gia đồng thời là chủ sở hữu Quyền tác giả đã chết nhưng Quyền tác giả được chuyển giao cho người thừa kế… Chủ sở hữu Quyền tác giả được xác định là các cá nhân, tổ chức sau:

Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả

Theo Điều 39, Luật sở hữu trí năm 2005 quy định:

Điều 39. Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả


Tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình là chủ sở hữu các quyền tài sản đối với tác phẩm và quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền tài sản đối với tác phẩm và quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm trừ trường hợp có thoả thuận khác.”

Trường hợp tác giả sáng tạo tác phẩm theo nhiệm vụ chuyên môn do cơ quan tổ chức nơi mình làm việc giao thì người tạo ra tác phẩm là tác giả và chỉ được hưởng các quyền nhân thân đối với tác phẩm. Chủ sở hữu quyền tài sản đối với tác phẩm thuộc về cơ quan tổ chức đã giao nhiệm vụ.

Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng sáng tạo với tác giả để tác giả tạo ra tác phẩm theo hợp đồng đã giao kết là chủ sở hữu quyền tài sản đối với tác phẩm đó. Nếu chỉ một cơ quan, tổ chức hoặc một cá nhân giao kết hợp đồng sáng tạo với tác giả để tạo ra tác phẩm theo hợp đồng đó thì chỉ riêng tổ chức, cá nhân hoặc cơ quan đó là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm đó. Ngược lại, nếu nhiều tổ chức hay nhiều cá nhân cùng giao kết một hợp đồng sáng tạo tác phẩm với tác giả thì sẽ là đồng chủ sở hữu đối với các quyền nói trên.

Chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế

Tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả theo quy định của pháp luật về thừa kế là chủ sở hữu các quyền tài sản và quyền công bố hoặc cho người khác công bố tác phẩm.

Người được thừa kế quyền tác giả theo quy định của pháp luật về thừa kế (bao gồm tổ chức, cá nhân) là chủ sở hữu quyền thuộc về tác phẩm được thừa kế. Trong đó, chỉ người nào được thừa kế quyền tác giả của người để lại thừa kế là chủ sở hữu quyền tác giả mới đối với tác phẩm được thừa kế. Mặt khác, cần phải xác định thêm là nếu có nhiều người thừa kế là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm mà người để lại thừa kế không phân định phần quyền của mỗi người thì họ được xác định là đồng chủ sở hữu chung hợp nhất về quyền tác giả, nếu người thừa kế xác định cụ thể về phần quyền mà mỗi thừa kế được hưởng thì mỗi người là chủ sở hữu quyền tác giả đối với riêng phần quyền đó.

Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền

Căn cứ điều 41 luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung lần thứ nhất theo quy định tại khoản 12 Điều 1 của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 theo đó:

– Tổ chức, cá nhân được chuyển giao một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và quyền công bố hoặc cho người khác công bố tác phẩm theo thoả thuận trong hợp đồng là chủ sở hữu quyền tác giả.

– Tổ chức, cá nhân đang quản lý hoặc nhận chuyển nhượng quyền đối với tác phẩm khuyết danh được hưởng quyền của chủ sở hữu cho đến khi danh tính của tác giả, đồng tác giả được xác định. Khi danh tính của tác giả, đồng tác giả được xác định thì chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm này, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyền tác giả của tổ chức, cá nhân đang quản lý hoặc nhận chuyển nhượng được xác định theo quy định của Luật sở hữ trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước

 Điều 42 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 12 Điều 1 của Luật Sở hữu trí tuệ 2022  quy định Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm sau đây:

– Tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sáng tạo do cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu;

– Tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan cho Nhà nước;

– Tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng trong thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan chết không có người thừa kế; người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản.

Nhà nước đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan trong các trường hợp sau đây:

– Tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không thể tìm được hoặc không xác định được chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định của Luật này;

– Tác phẩm khuyết danh cho đến khi danh tính của tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả được xác định, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đang quản lý hoặc nhận chuyển nhượng quyền đối với tác phẩm khuyết danh được hưởng quyền của chủ sở hữu cho đến khi danh tính của tác giả, đồng tác giả được xác định. Khi danh tính của tác giả, đồng tác giả được xác định thì chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm này, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyền tác giả của tổ chức, cá nhân đang quản lý hoặc nhận chuyển nhượng được xác định theo quy định.

Chủ sở hữu quyền tác giả là công chúng

Các kết quả sáng tạo trí tuệ thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học có vai trò quan trọng trong đời sống tính thần của xã hội cũng như có giá trị to lớn đối với nền công nghiệp văn hoá, giải trí. Vì vậy, pháp luật trao cho chủ thể sáng tạo và đầu tư độc quyền khai thác giá trị kinh tế của tác phẩm trong một thời hạn để bù đắp công sức sáng tạo và đầu tư, tặng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực sáng tạo của họ nhằm tạo động lực khuyến khích sáng tạo. Khi thời bạn bảo hộ kết thúc, tác phẩm trở thành tài sản công cộng và công chúng trở thành “người chủ” tác phẩm, có quyền sử dụng tài sản chung mà không phải xin phép, không phải trả tiền nhưng phải tôn các quyền nhân thân của tác giả.

Bên cạnh những tác phẩm thuộc về công chúng do hết thời hạn bảo hộ, một số loại tác phẩm do tính chất, vai trò của nó đối với xã hội, lợi ích công cộng, đòi hởi công chúng phải được tiếp cận hay sử dụng. nền nó không thuộc phạm vi được bảo hộ Quyề tác giả, như: văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, quy trình, khái niệm… Những đối tượng này công chúng có quyền tiếp cận, sử dụng mà không phải xin phép. không phải trả nhuận bút, thù lao. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật dân sự tác giả đồng thời là chủ sở hữu Quyền tác giả có thể tự chấm dứt quyền sở hữu Quyền tác giả của mình bằng việc tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vì chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền sở hữu Quyền tác giả đổi với tác phẩm. 

Quyền liên quan là gì?

Căn cứ Khoản 3 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sở hữu trí năm 2009, theo đó:

 “Quyền liên quan là quyền của tổ chức, cá nhân trong quá trình truyền tải tác phẩm đến công chúng thông qua các cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.”

Như vậy Quyền liên quan được hiểu bao gồm ba loại quyền: quyền của người biểu diễn đối với chương trình biểu diễn của họ; quyền của nhà sản xuất bản ghi âm đối với bản ghi âm của họ (theo pháp luật Việt Nam thì cả bản ghi hình); quyền của tổ chức phát sóng đối với các chương trình phát sóng của họ. Người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng được hưởng quyền vì họ là những người có công giúp cho tác phẩm của tác giả được truyền bá tới công chúng, hay nói cách khác tuy không là tác giả của tác phẩm nhưng họ chính là cầu nối giữa tác giả và công chủng, nhờ có họ mà công chúng được tiếp cận với tác phẩm, vì thế mà họ cũng có các quyền nhất định.

Đặc điểm quyền liên quan

Thứ nhất, quyền liên quan là quyền phái sinh, nó được hình thành dựa trên việc sử dụng tác phẩm gốc, hay khi Quyền tác giả được sử dụng nó sẽ làm hoặc có thể làm phát sinh Quyền liên quan. Ví dụ nhạc sĩ viết ra ca khúc và cho phép ca sĩ thể hiện tác phẩm của mình, khi ca sĩ hát bài hát đó (sử dụng tác phẩm) thì ca sĩ đã giúp nhạc sĩ đưa bài hát tới người nghe, ca sĩ với công lao này cũng có quyền bảo vệ cho sự trình diễn của mình. Tuy nhiên người ca sĩ có Quyền liên quan phải tôn trọng Quyền tác của nhạc sĩ sáng tác, và việc bảo hộ Quyền liên quan không được gây cản trở việc bảo hộ Quyền tác giả.

Thứ hai, quyền liên quan là các tác phẩm trình diễn của người biểu diễn, các bản ghi âm, ghi hình của tổ chức sản xuất ra chúng và các chương trình phát sóng của các tổ chức phát thanh truyền hình phải là các tác phẩm gốc. Tính nguyên gốc của tác phẩm được thể hiện ở hai khía cạnh: Khía cạnh thứ nhất là các sản phẩm hay “tác phẩm” đó phải thể hiện sự sáng tạo, độc đáo, phản ánh rõ nét dấu ấn riêng của chủ thể Quyền liên quan. Sáng tạo, độc đáo là ở khía cạnh thể hiện chứ không phải làm sai lệch tác phẩm gốc của tác giả. Khía cạnh thứ hai, Quyền liên quan chỉ phát sinh đối với các đối tượng được tạo ra lần đầu. Đặc điểm này đặc biệt được nhấn mạnh đối với các bản ghi âm và các chương trình phát sóng.

– Thứ ba, là sự hạn chế về thời gian bảo hộ ngay cả với quyền nhân thân. Đây là đặc điểm riêng biệt của quyền liên quan trong tương quan so sánh với các quyền SHTT khác. Bởi lẽ sự hạn chế về thời hạn bảo hộ đối với các đối tượng SHTT là rõ ràng và không cần bàn cãi vì cần có sự cân bằng giữa lợi ích của chủ sở hữu quyền và lợi ích của cộng đồng. Tuy nhiên, sự giới hạn đó thông thường chỉ là sự giới hạn về các quyền tài sản, còn các quyền nhân thân thường là vô thời hạn. Trong khi đó, quyền nhân thân của chủ thể quyền liên quan chỉ có thể được báo hộ và bảo hộ được khi bàn định hình còn tồn tại, nếu bản định hình không còn nữa thì không có cơ sở để bảo vệ quyền. Vì vậy, việc bảo vệ quyền nhân thân gắn liền vưới sự tồn tại của accs bản định hình chứa đối tượng bảo hộ.

Thứ tư, mặc dù là quyền phải sinh nhưng Quyền liên quan là một loại quyền SHTT độc lập. Như trên đã trình bày, cơ sở hình thành Quyền liên quan chính là việc sử dụng tác phẩm có bản quyền. Vì thế việc bảo hộ Quyền liên quan không cho phép bất kì sự cản trở nào làm ảnh hưởng đến Quyền tác giả, hay bảo hộ Quyền liên quan luôn phải xem xét trong mối quan hệ với Quyền tác giả để không gây phương hại đến Quyền tác giả, không thể bảo hộ Quyền liên quan nếu có sự vi phạm Quyền tác giả.

Chủ thể quyền liên quan

Các chủ thể quyền liên quan sẽ được hưởng các quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định đối với các đối tượng được bảo hộ của Quyền liên quan. Tuy nhiên, còn một khái niệm khác cũng cần phải lưu ý để tránh nhầm lẫn đó là chủ sở hữu quyền liên quan. Theo quy định tại Điều 44 Luật Sở hữu trí tuệ 2005  được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 12 Điều 1 của Luật sở hữu trí tuệ 2022 quy định tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất-kĩ thuật của minh để thực hiện cuộc biểu diễn, để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình đó. Tổ chức phát sóng là chủ sở hữu đối với chương trình phát sóng của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan. Như vậy, chủ thể Quyền liên quan và chủ sở hữu Quyền liên quan không phải lúc nào cũng là một. Cụ thể chủ thể quyền liên quan bao gồm: Người biểu diễn; tổ chức cá nhân là chủ sở hữu quyền liên quan; nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng được quy định như sau:

Người biểu diễn

Theo Khoản 1, Điều 16, Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định người biểu diễn bao gồm:

Điều 16. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền liên quan


1. Diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật (sau đây gọi chung là người biểu diễn)

Người biểu diễn là người sử dụng tác phẩm của người khác một cách sáng tạo trong sự thể hiện các tác phẩm văn học nghệ thuật bao gồm diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật. Trong đó, nếu người biểu diễn tự mình đầu tư tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện cuộc biểu diễn thì họ là người biểu diễn đồng thời là chủ sở hữu quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn đó, trừ trường hợp cỏ thoả thuận khác với bên liên quan. Trong trường hợp này người biểu diễn đồng thời là chủ sở hữu sẽ có đầy đủ các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với buổi biểu diễn.. Nếu do người khác đầu tư tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện cuộc biểu diễn đó thì chủ sở hữu quyền liên quan là tổ chức, cá nhân đầu tư thì người biểu diễn không đồng thời là chủ sở hữu (không đầu tư, người biểu diễn chỉ được thuê biểu diễn), người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư là chủ sở hữu và có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn. 

Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu quyền liên quan

Theo Khoản 3, Điều 16, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 82 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định:

“Điều 16. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền liên quan


2. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu quyền liên quan quy định tại Điều 44 của Luật này. “

Theo đó, chủ sở hữu của quyền liên quan bao gồm:

– Người biểu diễn sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để thực hiện cuộc biểu diễn là chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan; 

– Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan;

– Tổ chức phát sóng là chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan.

Nếu tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất kĩ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình đó, trừ trường các bên có thỏa thuận khác với bên liên quan. Như vậy nếu một người đi thuê (họ không là người đầu tư) để định hình lần đầu âm thanh thì họ không có quyền sở hữu với bản ghi âm đó. Tổ chức phát sống là chủ sở hữu đối với chương trình phát sóng của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan.

Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình

Theo Khoản 3, Điều 16, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 82 Điều 1 của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định:

“Điều 16. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền liên quan

3. Tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác (sau đây gọi là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình)”

Khái niệm “sản xuất bản ghi âm, ghi hình” được hiểu với nhiều nghĩa khác nhau. Thứ nhất, đó là các tổ chức, cá nhân sản xuất ra các băng, đĩa hoặc các dụng cụ khác là phương tiện dung cho việc ghi âm, ghi hình. Ở nghĩa này thì nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình chỉ đơn thuần là nhà sản xuất các vật mang tin đối với tác phẩm. Thứ hai, “sản xuất bản ghi âm, ghi hình” là việc các tổ chức, cá nhân dung băng đĩa ghi âm, ghi hình hoặc các vật dụng kỹ thuật khác để ghi lại âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc âm thanh, hình ảnh của một tác phẩm nhất định. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình với tư cách là chủ thể quyền liên quan được hiểu theo nghĩa thứ hai: Đó là tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh cuộc biểu diễn hoặc âm thanh, hình ảnh khác. Trong đó nếu bản ghi âm, ghi hình được tổ chức, cá nhân sản xuất bằng chính thời gian, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật của mình thì họ là chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình đó.

Tổ chức phát sóng

Theo Khoản 4, Điều 16, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 82 Điều 1 của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định:

                            “Điều 16. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền liên quan

                             4. Tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng (sau đây gọi là tổ chức phát sóng)”

Tổ chức phát sóng theo nghĩa chung nhất là tổ chức thực hiện việc truyền âm thanh hoặc hình ảnh của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả truyền qua vệ tinh để công chúng có thể tiếp nhận được. Hiểu theo nghĩa chung này thì tổ chức phát sóng bao gồm: tổ chức khởi xướng và tổ chức thực hiện phát sóng, tổ chức tái phát sóng và tổ chức tiếp sóng. Trong đó, tổ chức phát sóng được coi là chủ thể quyền liên quan là các tổ chức khởi xướng và thực hiện phát sóng bao gồm các tổ chức phát thanh, tổ chức truyền hình, phát tín hiệu về tinh. 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *