Luật Sở hữu trí tuệ không chỉ quy định bảo hộ đối với quyền tác giả mà còn bảo hộ có thời hạn đối với các quyền liên quan đến quyền tác giả. Hãy GỌI NGAY cho Zluat để được tư vấn hoặc tìm hiểu các thông tin pháp lý liên quan đến quyền liên quan đến quyền tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành.
Căn cứ pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 (Luật sở hữu trí tuệ 2005);
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009 (Luật sở hữu trí tuệ 2009);
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019 (Luật sở hữu trí tuệ 2019);
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 06 năm 2022 (Luật sở hữu trí tuệ 2022).
Quyền liên quan đến quyền tác giả là gì?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sở hữu trí năm 2009 quy định:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.”
Cũng theo quy định tại Điều này, giải thích khái niệm quyền liên quan đến quyền tác giả như sau:
“ 3. Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.”
Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền có mối quan hệ mật thế, gắn liền với quyền tác giả. Để có được quyền liên quan, những chủ thể như người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình… phải biểu diễn, thể hiện, tổ chức, phát sóng dựa trên tác phẩm gốc của chủ sở hữu quyền tác giả. Theo đó, quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Việc phân định rõ ràng giữa quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả được xem như một chế định hợp lý để bảo vệ quyền của chủ sở hữu tác phẩm cũng như các tổ chức, cá nhân khác có quyền về tài sản gắn liền với tác phẩm đó.
Đặc điểm quyền liên quan
Thứ nhất, quyền liên quan là quyền phái sinh, nó được hình thành dựa trên việc sử dụng tác phẩm gốc, hay khi Quyền tác giả được sử dụng nó sẽ làm hoặc có thể làm phát sinh Quyền liên quan. Ví dụ nhạc sĩ viết ra ca khúc và cho phép ca sĩ thể hiện tác phẩm của mình, khi ca sĩ hát bài hát đó (sử dụng tác phẩm) thì ca sĩ đã giúp nhạc sĩ đưa bài hát tới người nghe, ca sĩ với công lao này cũng có quyền bảo vệ cho sự trình diễn của mình. Tuy nhiên người ca sĩ có Quyền liên quan phải tôn trọng Quyền tác của nhạc sĩ sáng tác, và việc bảo hộ Quyền liên quan không được gây cản trở việc bảo hộ Quyền tác giả.
Thứ hai: Quyền liên quan là các tác phẩm trình diễn của người biểu diễn, các bản ghi âm, ghi hình của tổ chức sản xuất ra chúng và các chương trình phát sóng của các tổ chức phát thanh truyền hình phải là các tác phẩm gốc. Tính nguyên gốc của tác phẩm được thể hiện ở hai khía cạnh: Khía cạnh thứ nhất là các sản phẩm hay “tác phẩm” đó phải thể hiện sự sáng tạo, độc đáo, phản ánh rõ nét dấu ấn riêng của chủ thể Quyền liên quan. Sáng tạo, độc đáo là ở khía cạnh thể hiện chứ không phải làm sai lệch tác phẩm gốc của tác giả. Khía cạnh thứ hai, Quyền liên quan chỉ phát sinh đối với các đối tượng được tạo ra lần đầu. Đặc điểm này đặc biệt được nhấn mạnh đối với các bản ghi âm và các chương trình phát sóng.
Thứ ba: là sự hạn chế về thời gian bảo hộ ngay cả với quyền nhân thân. Đây là đặc điểm riêng biệt của quyền liên quan trong tương quan so sánh với các quyền SHTT khác. Bởi lẽ sự hạn chế về thời hạn bảo hộ đối với các đối tượng SHTT là rõ ràng và không cần bàn cãi vì cần có sự cân bằng giữa lợi ích của chủ sở hữu quyền và lợi ích của cộng đồng. Tuy nhiên, sự giới hạn đó thông thường chỉ là sự giới hạn về các quyền tài sản, còn các quyền nhân thân thường là vô thời hạn. Trong khi đó, quyền nhân thân của chủ thể quyền liên quan chỉ có thể được báo hộ và bảo hộ được khi bàn định hình còn tồn tại, nếu bản định hình không còn nữa thì không có cơ sở để bảo vệ quyền. Vì vậy, việc bảo vệ quyền nhân thân gắn liền vưới sự tồn tại của accs bản định hình chứa đối tượng bảo hộ.
Thứ tư, mặc dù là quyền phải sinh nhưng Quyền liên quan là một loại quyền SHTT độc lập. Như trên đã trình bày, cơ sở hình thành Quyền liên quan chính là việc sử dụng tác phẩm có bản quyền. Vì thế việc bảo hộ Quyền liên quan không cho phép bất kì sự cản trở nào làm ảnh hưởng đến Quyền tác giả, hay bảo hộ Quyền liên quan luôn phải xem xét trong mối quan hệ với Quyền tác giả để không gây phương hại đến Quyền tác giả, không thể bảo hộ Quyền liên quan nếu có sự vi phạm Quyền tác giả.
Đối tượng của quyền liên quan đến quyền tác giả
Theo quy định tại Điều 3 Luật sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 của Luật sở hữu trí tuệ 2009, quy định:
“ 1. Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.”
Như vậy đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm: cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Cụ thể:
– Cuộc biểu diễn được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Cuộc biểu diễn do công dân Việt Nam thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài;
+ Cuộc biểu diễn do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam;
+ Cuộc biểu diễn được định hình trên bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo quy định tại Điều 30 của Luật sở hữu trí tuệ 2005;
+ Cuộc biểu diễn chưa được định hình trên bản ghi âm, ghi hình mà đã phát sóng được bảo hộ theo quy định tại Điều 31 của Luật sở hữu trí tuệ 2005;
+ Cuộc biểu diễn được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quốc tịch Việt Nam;
+ Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá của tổ chức phát sóng có quốc tịch Việt Nam;
+ Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá của tổ chức phát sóng được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá chỉ được bảo hộ với điều kiện không gây phương hại đến quyền tác giả.
Căn cứ phát sinh, xác lập quyền liên quan đến quyền tác giả
Căn cứ theo khoản 2 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, căn cứ phát sinh, xác lập quyền liên quan đến quyền tác giả được quy định như sau:
“2. Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.”
Như vậy, có thể hiểu Quyền liên quan đến quyền tác giả phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả
Nội dung của quyền liên quan.
Quyền của người biểu diễn
Việc sử dụng tác phẩm thông qua hình thức biểu diễn luôn đòi hỏi sự sáng tạo của người biểu diễn, cái hay, cái đẹp của các tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật phải thông quan biểu diễn và tác phẩm đó được công chúng cảm nhận ở mức phần nhiều phụ thuộc vào tài năng và sự sáng tạo trong quá trình truyền tải của người biểu diễn. Vì vậy, tùy theo từng phương diện nhất định, hình thức nghệ thuật mà họ thể hiện để biểu diễn tác phẩm mang dấu ấn cá nhân theo phong cách sáng tạo nên họ có quyền được hưởng các quyền lợi theo đó.
Theo Điều 29 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 của Luật sử hữu trí tuệ 2022 quy định quyền của người biểu diễn bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản:
Trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn thì người biểu diễn được hưởng các quyền nhân thân; chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn được hưởng các quyền tài sản.
Về quyền nhân thân bao gồm:
– Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn;
– Bảo vệ sự toàn vẹn của hình tượng biểu diễn không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
Về quyền tài sản bao gồm độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền sau đây:
– Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình;
– Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều 29 luật sở hữu trí tuệ;
– Phát sóng, truyền đạt đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình của mình theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng;
– Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao bản định hình cuộc biểu diễn của mình dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều 29 luật sở hữu trí tuệ;
– Cho thuê thương mại tới công chúng bản gốc, bản sao cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trong bản ghi âm, ghi hình, kể cả sau khi được phân phối bởi người biểu diễn hoặc với sự cho phép của người biểu diễn;
– Phát sóng, truyền đạt đến công chúng bản định hình cuộc biểu diễn của mình, bao gồm cả cung cấp đến công chúng bản định hình cuộc biểu diễn theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn
Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình
Theo Điều 30 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 9 Điều 1 của Luật sở hữu trí tuệ 2022 quy định về quyền của nhà xuất bản ghi âm, ghi hình:
Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:
– Sao chép toàn bộ hoặc một phần bản ghi âm, ghi hình của mình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 30 luật sở hữu trí tuệ;
– Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 30 luật sở hữu trí tuệ;
– Cho thuê thương mại tới công chúng bản gốc, bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình, kể cả sau khi được phân phối bởi nhà sản xuất hoặc với sự cho phép của nhà sản xuất;
– Phát sóng, truyền đạt đến công chúng bản ghi âm, ghi hình của mình, bao gồm cả cung cấp tới công chúng bản ghi âm, ghi hình theo cách mà công chúng có thể tiếp cận tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn.
Quyền của tổ chức phát sóng
Theo Điều 31 Luật sử hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 9 Điều 1 của Luật sử hữu trí tuệ 2022 quy định quyền của tổ chức phát sóng như sau:
– Phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình;
– Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần bản định hình chương trình phát sóng của mình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp sao chép chương trình phát sóng chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này; sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp chương trình phát sóng, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại;;
– Định hình chương trình phát sóng của mình;
– Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản định hình chương trình phát sóng của mình dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản định hình chương trình phát sóng đã được chủ sở hữu quyền thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối.
Tổ chức phát sóng được hưởng quyền lợi vật chất khi chương trình phát sóng của mình được ghi âm, ghi hình, phân phối đến công chúng.
Hoạt động của các tổ chức này là việc sử dụng tác phẩm, chương trình biểu diễn của người khác để truyền tải đến công chúng nên khi sử dụng tác phẩm, chương trình biểu diễn để phát sóng các tổ chức này phảo đảm bảo các quyền lợi nhân thân cũng như lợi ích vật chất cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm hoặc của người biểu diễn và chủ sở hữu quyền liên quan đến cuộc biểu diễn.
Thời hạn bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả
Theo Điều 34, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về thời hạn bảo hộ như sau:
“ Điều 34. Thời hạn bảo hộ quyền liên quan
1. Quyền của người biểu diễn được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình.
2. Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc năm mươi năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố.
3. Quyền của tổ chức phát sóng được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện.
4. Thời hạn bảo hộ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ các quyền liên quan.”
Thời hạn bảo hộ quyền liên quan không kéo dài và vô tận, theo thông lệ chung thời hạn bảo hộ quyền liên quan được giới hạn bởi một con số nhất định và trong khoảng thời gian đó các chủ thể quyền có các quyền được pháp luật đảm bảo. Thời gian bao hộ dài hay ngắn tùy thuộc vào từng quốc gia. Ở Việt Nam hiện nay thời hạn đó là 50 năm tính từ năm tiếp theo năm buổi biểu diễn được định hình hoặc năm mà bản ghi âm được công bố định hình hoặc năm chương trình phát sóng được thực hiện.
- Aluat.vn | THỦ TỤC LY HÔN KHI VỢ – CHỒNG Ở CANADA.
- Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành nội địa tại huyện Quốc Oai Thành phố Hà Nội.
- Luật sư ly hôn với người nước ngoài chia tài sản chung và nợ chung nhanh tại Yên Châu, Yên Châu, Sơn La
- Quy trình đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2021.
- [SÔNG MÃ] – Dịch vụ ly hôn THUẬN TÌNH (ĐỒNG THUẬN) không có con chung trọn gói 2024