Mối quan hệ giữa Hiến pháp và quyền con người.

Hiến pháp với tư cách là một đạo luật cơ bản của nhà nước, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất với các chức năng hạn chế quyền lực nhà nước, ràng buộc trách nhiệm của nhà nước và ghi nhận quyền con người. Là công cụ pháp lý quan trọng đảm bảo nhân quyền ở mỗi quốc gia. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Zluat sẽ cung cấp thông tin về Mối quan hệ giữa Hiến pháp và quyền con người. Mời các bạn tham khảo.


Quyền Công Dân Quyền Con Người Trong Hiến Pháp 2013
Mối quan hệ giữa Hiến pháp và quyền con người

1. Quyền con người là gì?

Nhân quyền (hay quyền con người; tiếng Anh: human rights) là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, Thomas Jefferson đã đưa ra một nguyên tắc cơ bản làm cơ sở cho sự thành lập chính phủ dân chủ. Các chính phủ trong thể chế dân chủ không ban phát các quyền tự do cơ bản mà Jefferson đã nêu, mà chính các chính phủ đó để bảo vệ các quyền tự do đó – các quyền mà mọi cá nhân “hiển nhiên có” do sự tồn tại của mình.

Như vậy, có thể khái quát, quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế.

2. Quyền con người phải được ghi nhận và bảo vệ bằng pháp luật

Quan điểm này được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 của Đảng, trong đó Đảng ta khẳng định: “Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người”. Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xác định đầy đủ hơn trong Hiến pháp năm 2013 và trong hệ thống pháp luật mới được ban hành và sửa đổi. Khẳng định rõ các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật”.

Mặc dù luôn nhấn mạnh “quyền bẩm sinh” nhưng ngày nay, ở các nước tư bản cũng như ở mọi quốc gia, quyền con người (QCN) đều được ghi nhận và bảo vệ bằng các hình thức pháp luật khác nhau. Thực tiễn Việt Nam và các nước trên thế giới cho thấy đảm bảo bằng pháp luật là một trong những điều kiện quan trọng nhất để QCN được thực hiện. Những tư tưởng lớn, những khám phá mới về QCN chỉ là không tưởng hoặc mị dân nếu không được biểu hiện dưới hình thức pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Nói cách khác, mọi nhu cầu hay yêu sách về quyền nếu không được pháp luật ghi nhận và bảo vệ thì không thể có bất cứ một QCN nào. Các Mác luôn đề cao vai trò của pháp luật, coi pháp luật là “Kinh Thánh tự do” của nhân dân. Trường phái pháp luật thực định cũng luôn khẳng định: “không có luật thì không có quyền”. QCN khi được pháp luật ghi nhận trở thành ý chí của toàn dân, buộc cả xã hội phải phục tùng và nhà nước bảo vệ.

Trên phạm vi thế giới, sau khi Liên hợp quốc ra đời, QCN được bảo vệ bởi hệ thống pháp luật quốc tế. Đó là sự hợp tác của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng các nguyên tắc, quy phạm và cơ chế thực thi, giám sát việc thực hiện nhân quyền. Các văn kiện nhân quyền quốc tế luôn nhấn mạnh rằng QCN phải được bảo vệ bằng Nhà nước pháp quyền, theo các nguyên tắc pháp quyền.

Trong phạm vi quốc gia, pháp luật bảo vệ QCN thể hiện ở việc ghi nhận các quyền trong pháp luật, hoàn thiện bộ máy, các thiết chế,… nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn QCN.

Quan điểm này là cơ sở để chúng ta bác bỏ mặt phiến diện của thuyết nhân quyền tự nhiên; khẳng định vai trò của pháp luật trong việc bảo vệ QCN. Trong thời kỳ mới, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật; củng cố các cơ quan tư pháp và cơ chế nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định: “Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”.

3. Mối quan hệ của Hiến pháp và quyền con người

Hiến pháp là văn bản có vị trí cao nhất trong thang bậc hiệu lực pháp lý, đóng vai trò là đạo luật gốc, làm cơ sở cho các văn bản khác trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của mỗi quốc gia. Những nội dung không thể thiếu trong hầu hết các bản hiến pháp, đó là những quy định về cách thức tổ chức quyền lực nhà nước và ghi nhận quyền con người, quyền công dân đã làm cho hiến pháp đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nhân quyền. Sau đây chúng ta sẽ xem xét cụ thể vai trò của hiến pháp trên các phương diện cụ thể.

Thứ nhất; Hiến pháp đóng vai trò là văn bản ghi nhận quyền con người, quyền công dân.

Muốn đảm bảo quyền con người, quyền công dân thì trước hết nhà nước phải ghi nhận những quyền đó, nếu không có sự ghi nhận thì sẽ không có sự bảo vệ và thúc đẩy việc hiện thực hóa những quyền này. Việc ghi nhận quyền con người trong hiến pháp cũng là cách để một quốc gia tuyên bố với thế giới về tình trạng nhân quyền của nước mình.

Lịch sử nhân loại đã cho thấy, ngay từ khi giành được thắng lợi trong cuộc cách mạng tư sản làm thay đổi địa vị của người dân từ “thần dân” sang “công dân”, trở thành những người có quyền trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giai cấp tư sản đã chú ý đến việc bảo vệ thành quả này. Theo đó, điều cần phải làm là ghi nhận những quyền này như một sự tuyên bố về nhân quyền và phải bảo vệ những quyền đó trước sự xâm phạm của mọi chủ thể trong xã hội, kể cả từ phía nhà nước. Muốn đáp ứng được điều đó thì cần có một văn bản pháp lý có hiệu lực cao để ghi nhận các quyền con người với tư cách là thành quả của cuộc cách mạng tư sản. Cũng từ đây, hiến pháp với tư cách là văn bản pháp lý ghi nhận các quyền tự do của con người ra đời. Như vậy, ngay từ đầu, hiến pháp đã là văn bản quan trọng ghi nhận quyền con người, quyền công dân. Nhờ sự ghi nhận này mà quyền con người, quyền công dân được thừa nhận, được tôn trọng và được bảo đảm. Có thể nói rằng, hiến pháp sinh ra là để mang sứ mệnh bảo đảm quyền con người. “Nếu như không có vấn đề phải bảo vệ nhân quyền thì có lẽ nhân loại cũng không cần có một bản hiến pháp cho mỗi một quốc gia”[3].

Ngày nay, các quốc gia đều ghi nhận quyền con người và quyền công dân trong hiến pháp của nước mình. Chương về “quyền con người, quyền công dân” thường được đặt ở vị trí trang trọng trong hiến pháp của mỗi quốc gia. Có thể nói rằng quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong hiến pháp với tư cách là đạo luật cơ bản của một quốc gia là một sự đảm bảo pháp lý để các quyền đó được tôn trọng và đảm bảo thực hiện. Trên một phương diện nào đó, có thể nói rằng hiến pháp chính là văn bản đảm bảo nhân quyền ở một quốc gia. Đảm bảo bằng cách ghi nhận những quyền đó. Sở dĩ nói như vậy là vì việc ghi nhận là điều rất quan trọng, là bước khởi đầu cho việc thực hiện các bước tiếp theo đó là bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền ở một quốc gia. Việc ghi nhận quyền con người trong hiến pháp của một nước cũng là sự khẳng định và đảm bảo về mặt số lượng cũng như phạm vi các quyền mà các công dân cũng như cá nhân nước ngoài sống tại nước đó được hưởng thụ.

Thứ hai, Hiến pháp đóng vai trò là công cụ hạn chế quyền lực nhà nước để bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Trước hết cần phải khẳng định rằng việc hạn chế quyền lực nhà nước là một điều rất quan trọng để bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở một quốc gia bởi lẽ, những quyền này rất dễ bị xâm phạm từ phía nhà nước. Nhà nước bảo đảm quyền con người nhưng “nhà nước cũng là một trong những nơi tiềm ẩn mối nguy hiểm nhất cho sự vi phạm nhân quyền vì so với các chủ thể khác trong xã hội, nhà nước có nhiều ưu thế hơn đó là nắm quyền lực trong tay, có nhân lực, có vũ khí, tiền bạc và được quyền bắt, giam, giữ con người khi cho họ là những nghi can, theo quy định mà chính bản thân nhà nước đặt ra. Bảo vệ nhân quyền trước hết và hơn bao giờ hết phải có sự ngăn ngừa từ phía Nhà nước. Ngăn ngừa bằng cách quy định một cách chặt chẽ các cách thức tổ chức và hoạt động của Nhà nước”[4]. Muốn hạn chế quyền lực nhà nước cần phải: (i) có phân quyền để tránh tập trung quyền lực vào một cơ quan, tổ chức hay cá nhân; (ii) phải có cơ chế để các nhánh quyền lực chỉ được hoạt động trong phạm vi pháp luật cho phép.

Hiến pháp với tư cách là văn bản quy định cách thức tổ chức quyền lực nhà nước đã đáp ứng được hai yêu cầu nêu trên nên có thể nói rằng hiến pháp là văn bản hạn chế quyền lực nhà nước. Việc quy định cách thức tổ chức quyền lực nhà nước trong hiến pháp theo tam quyền phân lập có sự phân chia, kiềm chế và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực giúp tránh được kiểu quyền lực tập trung vào trong tay một người hay một nhóm người, dẫn đến quyền lực không có giới hạn giống quyền lực của các vị vua phong kiến chuyên quyền, độc đoán và hệ quả là quyền con người rất dễ bị xâm phạm vì ở đâu có sự độc đoán chuyên quyền là ở đó không có dân chủ và nhân quyền hoặc quyền con người bị xâm phạm nhiều nhất. Bên cạnh đó, việc kiềm chế và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực còn có tác dụng ngăn chặn sự lạm quyền, vượt quyền dẫn đến xâm phạm quyền con người của các cơ quan nhà nước.

Như vậy, với nội dung cơ bản và không thể thiếu trong bất cứ bản hiến pháp nào, đó là quy định về cách thức tổ chức quyền lực nhà nước theo cơ chế phân quyền, hiến pháp đã trở thành công cụ pháp lý giới hạn quyền lực nhà nước, ngăn chặn sự vượt quá giới hạn về quyền lực của các cơ quan, cán bộ nhà nước, bắt buộc họ chỉ được phép sử dụng quyền lực được giao trong phạm vi cho phép. Nhờ đó mà có sự đảm bảo cần thiết cho quyền con người, quyền công dân không bị xâm phạm.

Thứ ba; Hiến pháp là văn bản pháp lý ràng buộc trách nhiệm của nhà nước để quyền con người, quyền công dân được thực thi.

Việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong hiến pháp không chỉ là sự thừa nhận từ phía nhà nước về những quyền ấy mà còn là sự khẳng định trách nhiệm của nhà nước trong việc hiện thực hóa những quyền này. Điều đó có nghĩa rằng, khi một nhà nước ghi nhận các quyền cho công dân của mình và cho các cá nhân sống trong lãnh thổ quốc gia thì đồng thời cũng xác lập nghĩa vụ đảm bảo những quyền đó được thực thi. Như vậy, quyền con người, quyền công dân luôn song hành với nghĩa vụ của nhà nước. Do vậy, có thể nói rằng, hiến pháp chính là văn bản ghi nhận quyền con người, quyền công dân của một quốc gia; đồng thời cũng là văn bản quy trách nhiệm của nhà nước đó trong việc phải tạo ra điều kiện vật chất cũng như cơ chế để hiện thực hóa những gì đã ghi nhận.

Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước có tính bắt buộc chung đối với toàn xã hội, trong đó và trước hết là những cơ quan, cán bộ nhà nước. Điều đó có nghĩa rằng, các cơ quan nhà nước phải nỗ lực trong việc tạo ra cơ chế (ban hành thể chế và thành lập các thiết chế) để các quyền con người, quyền công dân được thực thi. Nếu không tạo điều kiện và cơ chế để hiện thực hóa các quyền con người, quyền công dân ghi trong hiến pháp thì chính nhà nước cũng bị coi là không hoàn thành trách nhiệm và trong một chừng mực nhất định có thể bị coi là vi hiến. Do vậy, có thể nói rằng, trong trường hợp này hiến pháp đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Bảo đảm bằng cách “bắt” nhà nước phải thực hiện chính những gì mà mình đã ghi nhận về quyền con người, quyền công dân trong nội dung của hiến pháp.

Trên đây là tất cả thông tin về Mối quan hệ giữa Hiến pháp và quyền con người mà Công ty Luật Zluat cung cấp tới các bạn đọc giả. Nếu các bạn đọc giả còn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý nào liên quan đến bài viết hoặc những vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với Công ty Luật Zluat để nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ luật sư và các tác giả. Chúng tôi  luôn sẵn lòng giải đáp thắc mắc của các bạn đọc. Trân trọng!

✅ Dịch vụ thành lập công ty ⭕ Zluat cung cấp dịch vụ thành lập công ty/ thành lập doanh nghiệp trọn vẹn chuyên nghiệp đến quý khách hàng toàn quốc
✅ Đăng ký giấy phép kinh doanh ⭐ Thủ tục bắt buộc phải thực hiện để cá nhân, tổ chức được phép tiến hành hoạt động kinh doanh của mình
✅ Dịch vụ ly hôn ⭕ Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn ly hôn, chúng tôi tin tưởng rằng có thể hỗ trợ và giúp đỡ bạn
✅ Dịch vụ kế toán ⭐ Với trình độ chuyên môn rất cao về kế toán và thuế sẽ đảm bảo thực hiện báo cáo đúng quy định pháp luật
✅ Dịch vụ kiểm toán ⭕ Đảm bảo cung cấp chất lượng dịch vụ tốt và đưa ra những giải pháp cho doanh nghiệp để tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh hay các hoạt động khác
✅ Dịch vụ làm hộ chiếu ⭕ Giúp bạn rút ngắn thời gian nhận hộ chiếu, hỗ trợ khách hàng các dịch vụ liên quan và cam kết bảo mật thông tin

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *