Phân biệt trường hợp “hành hung để tẩu thoát” với trường hợp “chuyển hóa thành cướp” trong tội cướp giật tài sản.

Phân biệt trường hợp “hành hung để tẩu thoát” với trường hợp “chuyển hóa thành cướp” trong tội cướp giật tài sản (điểm đ Khoản 2 Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015), tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (điểm a Khoản 2 Điều 137 Bộ luật Hình sự năm 2015) và tội trộm cắp tài sản (điểm đ Khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015)?

Phân Biệt Trường Hợp “hành Hung để Tẩu Thoát” Với Trường Hợp “chuyển Hóa Thành Cướp” Trong Tội Cướp Giật Tài Sản
Phân biệt trường hợp “hành hung để tẩu thoát” với trường hợp “chuyển hóa thành cướp” trong tội cướp giật tài sản

1. Nội dung cần phân tích

Khi áp dụng tình tiết “hành hung để tẩu thoát” (điểm đ Khoản 2 Điều 171; điểm a Khoản 2 Điều 137; điểm đ Khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015) cần chú ý:

* Phạm tội thuộc trường hợp “hành hung để tẩu thoát” là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã… nhằm tẩu thoát.

* Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.

Đều là những tội phạm mà người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản không phải bằng cách dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng người phạm tội khi bị phát hiện đã sử dụng các thủ đoạn này để tẩu thoát hay để cố giữ tài sản.

– Khác nhau:

+ Mục đích dùng vũ lực của người phạm tội:

* Đối với dấu hiệu “Hành hung để tẩu thoát” ở tội cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản mục đích để tẩu thoát (thoát khỏi sự truy đuổi, bắt giữ của người bị hại hoặc người khác).

* Đối với dấu hiệu “Chuyển hóa thành cướp” ở tội cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản mục đích nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản.

+ Về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội:

* Đối với dấu hiệu “Hành hung để tẩu thoát” ở tội cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản thì không có sự giằng giật tài sản giữa người phạm tội và những người đuổi theo bắt giữ đồng thời có thể có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, đạp, xô ngã… chỉ nhằm mục đích là tẩu thoát chứ không phải có mục đích chiếm bằng được tài sản đã chiếm đoạt được trước đó.

* Đối với dấu hiệu “Chuyển hóa thành cướp” ở tội cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản thì có sự giằng giật tài sản giữa người phạm tội và người đuổi bắt đồng thời có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã… nhằm chiếm bằng được tài sản.

+ Về trách nhiệm hình sự:

* Đối với dấu hiệu “Hành hung để tẩu thoát” ở tội cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản khi truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung tăng nặng của tội phạm tương ứng: Điểm đ Khoản 2 Điều 171; điểm a Khoản 2 Điều 137; điểm đ Khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015.

* Đối với dấu hiệu “Chuyển hóa thành cướp” ở tội cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản.

2. Vấn đề chuyển hoá tội phạm trong một số trường hợp 

Diễn biến hành vi phạm tội trên thực tế không phải bao giờ cũng có sự đồng nhất với những quy định của luật, mà trong nhiều trường hợp hành vi phạm tội diễn ra theo một chiều hướng khác so với hành vi ban đầu. Do đó, đã hình thành nên trường hợp về chuyển hóa tội phạm hay là chuyển hóa về tội danh. Đây là trường hợp đặc biệt trong khoa học luật Hình sự và trên thực tế cũng không ít gặp những trường hợp như vậy.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành thì tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ và được quy định trong Bộ luật Hình sự. Về nguyên tắc, khi một người thực hiện hành vi thỏa mãn 4 yếu tố cấu thành tội phạm (chủ thể, khách thể, mặt khách quan, mặt chủ quan) và được quy định trong Bộ luật Hình sự thì sẽ cấu thành tội đó.

Tuy nhiên, diễn biến hành vi phạm tội trên thực tế không phải bao giờ cũng có sự đồng nhất với những quy định của luật, mà trong nhiều trường hợp hành vi phạm tội diễn ra theo một chiều hướng khác so với hành vi ban đầu. Do đó, đã hình thành nên trường hợp về chuyển hóa tội phạm hay là chuyển hóa về tội danh. Đây là trường hợp đặc biệt trong khoa học luật hình sự và trên thực tế cũng không ít gặp những trường hợp như vậy.

Điều này phần nào gây lúng túng cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định tội danh và hình phạt đối với người phạm tội. Thực tiễn xét xử còn cho thấy, các Tòa án đã định tội không thống nhất, đối với các trường hợp kẻ phạm các tội chiếm đoạt tài sản như: “Trộm cắp tài sản”, “Cướp giật tài sản”, “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã dùng bạo lực để chiếm đoạt cho bằng được tài sản” hoặc “Hành hung để tẩu thoát”.

Nhiều Tòa án đã coi mọi trường hợp nói trên là “Cướp tài sản”…, ngược lại có Tòa án chỉ coi việc dùng bạo lực là tình tiết tăng nặng của việc chiếm đoạt chứ không kết án kẻ phạm tội về tội “Cướp tài sản”…

Chuyển hóa tội phạm trong một số trường hợp

Vấn đề chuyển hoá tội phạm không được quy định trong luật mà được hướng dẫn trong quá trình xét xử. Tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP quy định về trường hợp hành hung để tẩu thoát khiến tội trộm cắp chuyển hoá thành tội cướp tài sản (mặc dù văn bản này hướng dẫn Bộ luật Hình sự 1999 nhưng vẫn có giá trị tham khảo vì bản chất tội phạm vẫn giữ nguyên).

Hiện nay, cũng không có định nghĩa cụ thể thế nào là chuyển hoá tội phạm. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử thực tiễn của Toà án vấn đề chuyển hoá tội phạm có xảy ra và được hướng dẫn trong một số trường hợp. Căn cứ vào các trường hợp chuyển hoá tội phạm, có thể đưa ra định nghĩa như sau: “Khi một người thực hiện hành vi phạm tội thỏa mãn đầy đủ tất cả các yếu tố cấu thành tội phạm và được quy định trong Bộ luật Hình sự thì sẽ cấu thành tội đó. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, có những hành vi đáp ứng cấu thành tội phạm của nhiều tội khác nhau. Trong đó, hành vi sau có mức độ nguy hiểm cao hơn so với hành vi ban đầu. Do đó, nếu xác định tội danh dựa trên hành vi ban đầu sẽ khiến cho tội phạm và hình phạt không tương thích với hành vi phạm tội”.

Vấn đề chuyển hóa tội phạm trên thực tế thường diễn ra đối với loại tội xâm phạm sở hữu như tội “Trộm cắp tài sản” chuyển hóa thành tội “Cướp tài sản” (trong khoa học luật hình sự gọi trường hợp này là đầu trộm đuôi cướp); từ “Trộm cắp tài sản” chuyển hóa thành “Cưỡng đoạt tài sản”; “Cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản” chuyển hoá thành tội “Cướp tài sản”, cũng có trường hợp “Trộm cắp tài sản” chuyển hóa thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”… và phải thỏa mãn các dấu hiệu:

+ Đang thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản;

+ Bị phát hiện hoặc chưa bị phát hiện tại thời điểm thực hiện hành vi;

+ Người phạm tội dùng vũ lực tấn công nạn nhân hoặc người khác;

+ Nhằm mục đích lấy, giữ, chiếm đoạt cho bằng được tài sản.

Chuyển hóa tội phạm trong một số trường hợp

“Trộm tài sản” chuyển hóa thành “Cướp tài sản”:

Người đang thực hiện hành vi phạm tội “Trộm cắp tài sản” (lén lút đối với chủ tài sản) nhưng chưa lấy được tài sản (tài sản chưa thoát ly khỏi sự quản lý của chủ tài sản) thì bị phát hiện (hoặc chưa bị phát hiện) đã có hành vi dùng vũ lực đối với nạn nhân nhằm lấy cho bằng được tài sản và tẩu thoát.

Ví dụ: A lợi dụng đêm trăng sáng mất điện đã lẻn vào nhà của B để trộm cắp tài sản, trong quá trình lẻn vào nhà B, A quan sát thấy B đang nằm ngủ bên cạnh chiếc xe máy SH. A liền đi đến sử dụng vam phá khóa và dắt chiếc xe đi ra cửa. B nghe tiếng động nên tỉnh dậy hô hoán A liền đấm, đạp vào mặt B làm B ngã lăn ra đất bất tỉnh. Sau đó, A dắt chiếc xe máy đi ra khỏi cổng và tẩu thoát.

“Trộm cắp tài sản” chuyển hóa thành “Cưỡng đoạt tài sản”:

Người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, sau đó có hành vi đe dọa vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nạn nhân để nạn nhân giao tài sản.

 Ví dụ: Trần Xuân C, Nguyễn Mậu L và Phạm Vương T đang thực hiện hành vi trộm cắp gà chọi của ông P thì bị cháu Trần Thanh D phát hiện, P đã có lời nói đe dọa đối với cháu D rồi cùng đồng bọn chiếm đoạt ba con gà chọi có tổng trị giá 5.000.000đ. Hành vi của các bị cáo chuyển hóa từ tội “Trộm cắp tài sản” sang tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trộm cắp tài sản chuyển hóa thành Lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Người phạm tội đang thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, sau đó có hành vi gian dối đối với chủ tài sản để chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ: Lợi dụng sở hở trong lúc chị B đang tắm, A đi thẳng vào nhà dắt chiếc xe máy của chị B đang dựng ở gầm cầu thang đi ra ngoài. Khi ra đến cổng thì gặp anh H là chồng chị B đi làm về. A đã nói với H là chị B nhờ đi mua đồ về nhậu. H tưởng thật nên không nói gì. A dắt xe ra cổng và tẩu thoát sau đó ra tiệm cầm đồ bán được 10.000.000 đồng.

“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chuyển hóa thành “Cướp tài sản”:

Người phạm tội ban đầu dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, sau đó có hành vi dùng vũ lực đối với nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ: Vì muốn có tiền tiêu xài, H đã nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc xe đạp của Q. Lúc đầu, H hỏi mượn xe máy Wave (trị giá 18.000.000 đồng) để đi thăm người ốm, Q tin tưởng nên giao xe cho H. Sau đó, H mang xe ra chợ để bán nhưng không được nên đã mang về nhà. Hai ngày sau, Q đến nhà H đòi xe, H liền rút dao găm dấu trong người đe doạ sẽ giết Q nếu Q không bỏ tay ra, do quá sợ hãi nên Q bỏ tay ra khỏi xe, sau đó H nhảy lên xe phóng đi.

“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chuyển hóa thành “Cưỡng đoạt tài sản”:

Người phạm tội ban đầu dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản nhưng sau đó có hành vi đe dọa vũ lực, uy hiếp tinh thần nạn nhân để nạn nhân giao tài sản.

Ví dụ: T, H dùng thủ đoạn gian dối đánh tráo cáp lô đề lừa anh N chiếm đoạt tài sản nhưng bị anh N phát hiện nên kiên quyết không trả thưởng. Do không lấy được tiền của N, các bị cáo đã đến nhà anh N yêu cầu đòi tiền và uy hiếp tình thần, bắt anh N viết giấy vay nợ. Vì lo sợ đến sức khỏe, tính mạng của mình và vợ con nên anh N đã đưa cho T, H 10.000.000đ. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của T và H đã chuyển hóa thành hành vi cưỡng đoạt tài sản.

“Cướp giật tài sản” chuyển hóa thành “Cướp tài sản”:

Người phạm tội đang thực hiện hành vi cướp giật tài sản thì bị phát hiện (bị phát hiện tại thời điểm thực hiện hành vi chứ không phải một khoản thời gian sau) và người phạm tội đã dùng vũ lực tấn công nạn nhân (có thể cả người khác) nhằm mục đích lấy, giữ, chiếm đoạt bằng được tài sản.

Ví dụ: A lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đi xe máy trên đường xem có ai sở hở thì giật điện thoại và túi xách. Khi đến đoạn đường N, A quan sát thấy thị Ng đang đi xe máy một mình có đeo túi xách, A liền tiếp cận sau đó giật túi xách của chị Ng và bỏ chạy thì bị chị Ng giằng co giữ lại. Sau đó, bị cáo đã có hành vi dùng dao dí vào cổ khống chế chị Ng để cố lấy cho bằng được tài sản và tẩu thoát.

Như vậy, trong các trường hợp chuyển hóa tội phạm, diễn biến của hành vi phạm tội thường xảy ra như sau:

+ Người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản khi chưa lấy được tài sản đã có hành vi dùng vũ lực đối với nạn nhân nhằm mục đích lấy tài sản và tẩu thoát;

+ Người phạm tội đang thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thì bị phát hiện, sau đó dùng vũ lực đối với nạn nhân để lấy cho bằng được tài sản và tẩu thoát;

+ Người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản thì bị phát hiện, sau đó dùng vũ lực để giữ cho bằng được tài sản đã chiếm đoạt;

+ Người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản thì bị phát hiện, sau đó dùng vũ lực để tẩu thoát nhưng vẫn cố giữ cho bằng được tài sản.

Có thể thấy, trong các trường hợp thì người phạm tội đều có hành vi dùng vũ lực đối với nạn nhân để chiếm đoạt cho bằng được tài sản.

Tình tiết “hành hung để tẩu thoát”

Trong vấn đề chuyển hóa tội phạm đối với các trường hợp nêu trên thì có một vấn đề liên quan đó là khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội sử dụng vũ lực đối với nạn nhân để chiếm đoạt bằng được tài sản tuy nhiên cũng có trường hợp mục đích của việc sử dụng vũ lực của người phạm tội không phải là để chiếm đoạt cho bằng được tài sản mà chỉ là để tẩu thoát khỏi sự truy đuổi hô hoán của chủ tài sản hoặc người xung quanh.

Khi đó hành vi sử dụng vũ lực của người phạm tội không có sự chuyển hóa tội phạm. Trong các văn bản hướng dẫn gọi trường hợp này là “hành hung để tẩu thoát”.

Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, tình tiết hành hung để tẩu thoát được quy định là tình tiết định khung tăng nặng đối với một số tội phạm như tội “Cướp giật tài sản” (điểm đ khoản 2 Điều 171), tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” (điểm b khoản 2 Điều 172), tội “Trộm cắp tài sản” (điểm đ khoản 2 Điều 173). Tuy nhiên, không đưa ra định nghĩa thế nào là hành hung để tẩu thoát. Theo hướng dẫn tại Mục 6 Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 hướng dẫn một số quy định về các tội xâm phạm sở hữu, khi áp đụng tình tiết “hành hung để tẩu thoát” cần chú ý:

“6.1. Phạm tội thuộc trường hợp “hành hung để tẩu thoát” là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã… nhằm tẩu thoát”.

Tuy nhiên, Thông tư cũng hướng dẫn: “6.2. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội ‘Cướp tài sản’”.

Tham khảo thêm Nghị quyết số 01-HĐTP/NQ ngày 19/4/1989 hướng dẫn Bộ luật Hình sự 1985 tại Mục VII – Về việc chuyển hóa từ một số hình thức “Chiếm đoạt tài sản” thành “Cướp tài sản” từ thực tiễn xét xử cho thấy:

“a) Nếu là trường hợp do chưa chiếm đoạt được tài sản mà kẻ phạm tội dùng vũ lực hay đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt tài sản cho bằng được thì cần định tội là cướp tài sản…
b) Nếu là trường hợp kẻ phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản rồi, nhưng chủ tài sản họăc người khác đã lấy lại được tài sản đó hoặc đang giành giật tài sản còn ở trong tay kẻ phạm tội, mà kẻ phạm tội dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt tài sản cho bằng được, thì cần định tội là “Cướp tài sản”…
Đối với các trường hợp trên đây chỉ cần kết án kẻ phạm tội về một tội là cướp tài sản… và coi việc chiếm đoạt (chưa thành hoặc đã thành) trước khi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực là tình tiết diễn biến của tội phạm.
c) Nếu việc dùng vũ lực (hoặc đe dọa dùng vũ lực) là nhằm để tẩu thoát (kể cả khi tẩu thoát cùng với tài sản đã chiếm đoạt được), thì không kết án kẻ phạm tội về cướp tài sản…, và tùy trường hợp mà kết án họ về tội phạm xảy ra trước khi dùng vũ lực (hoặc đe dọa dùng vũ lực) và coi việc dùng vũ lực (hoặc đe dọa dùng vũ lực) là tình tiết “hành hung để tẩu thoát” (tình tiết định khung hình phạt cao hơn theo các Điều 131, 132, 154, 155 Bộ luật Hình sự). Nếu việc dùng vũ lực dẫn tới hậu quả làm chết người thì kẻ phạm tội bị kết án thêm về tội “Giết người”. Nếu hậu quả của việc dùng vũ lực là gây cố tật nặng hoặc gây thương tích dẫn đến chết người thì kẻ phạm tội bị kết án thêm về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 109 Bộ luật Hình sự”.
Thực tiễn cho thấy rất nhiều trường hợp mặc dù người phạm tội không có chủ định cướp tài sản mà chỉ có ý định trộm cắp nhưng hành vi của người phạm tội này vẫn bị truy tố với tội “Cướp tài sản”.
Ví dụ: A lén lút đột nhập vào nhà của ông B bà C vào buổi đêm. A cạy tủ và lấy được 01 sợi dây chuyền vàng trị giá 5000 USD. Trên đường tẩu thoát khỏi nhà, A vô tình làm rớt 01 cái ly khiến cho ông B thức giấc và phát hiện hành vi trộm cắp của A. Ông B giật lại sợi dây chuyền trên tay A rồi kéo áo không cho A chạy. A liền thả tay khỏi sợi dây chuyền rồi đánh một cái vào tay ông B và nhanh chóng tẩu thoát.

Có thể thấy rằng, trong trường hợp trên, mục đích của A không còn nhằm chiếm đoạt tài sản nữa, A đã bỏ lại tài sản và việc hành hung ông B chỉ đơn thuần để giúp A có thể tẩu thoát. Do vậy, hành vi của A chỉ cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” với tình tiết tăng nặng là “Hành hung để tẩu thoát”. Tuy nhiên, cũng tình huống trên nhưng nếu A vẫn bằng mọi cách để giật lại sợi dây chuyền trên, đồng thời đánh đấm ông A để chiếm đoạt cho bằng được tài sản thì hành vi của A không còn thuộc nội hàm của tội “Trộm cắp tài sản” mà đã được chuyển hóa thành tội “Cướp tài sản”.

Các trường hợp tương tự nêu trên là đối với diễn biến hành vi có tính chất tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp diễn biến hành vi của tội phạm thể hiện ranh giới giữa mục đích chiếm đoạt cho bằng được tài sản và hành hung để tẩu thoát không rõ ràng và mong manh thì việc định tội danh còn mang tính chất quan điểm và việc áp dụng pháp luật trên thực tế là không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ví dụ: A trú tại TP. Vinh, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, đêm tối sử dụng xe máy tiếp cận với người đi đường với mục đích giật điện thoại và túi xách. Khi đi đến khu vực đoạn đường 46 thuộc xã Nghi Ân, quan sát thấy chị N đang đi từ hướng Cửa Lò đến ngã tư sân bay, A liền đi xe áp sát giật túi xách của chị N quàng vào cổ rồi tăng ga bỏ chạy, chị N liền hô hoán và chạy tới nắm lấy càng sau xe máy của A. Thấy nhiều người đi đường dừng lại, A trong lúc lo sợ liền dùng chân đạp vào người chị N khiến chị N ngã ra đường và sau đó tiếp tục tăng ga tẩu thoát.

Xung quanh hành vi của A còn có nhiều quan điểm khác nhau về tội danh. Quan điểm thứ nhất cho rằng hành vi của A đã có sự chuyển hóa tội danh từ “Cướp giật tài sản” thành “Cướp tài sản” bởi vì sau khi giật được túi xách, A đã có hành vi sử dụng vũ lực đối với nạn nhân nhằm chiếm bằng được tài sản và tẩu thoát, căn cứ theo hướng dẫn tại tiểu mục 6.2 Mục 6 Thông tư liên tịch số 02/2001 thì A phạm tội “Cướp tài sản”. Quan điểm thứ hai cho rằng hành vi của A chưa chuyển hóa thành tội “Cướp tài sản”, bởi vì sau khi giật được túi xách từ chị N, A đã quàng vào cổ và việc A trong lúc lo sợ đã dùng chân đạp vào người chị N nhằm mục đích là để tẩu thoát chứ không phải nhằm mục đích giữ cho bằng được tài sản, căn cứ theo hướng dẫn tại tiểu mục 6.1 Mục 6 Thông tư liên tịch số 02/2001 thì A phạm tội “Cướp giật tài sản”.

Như vậy, theo tinh thần hướng dẫn tại Nghị quyết số 01-HĐTP/NQ ngày 19/4/1989 và Thông tư liên tịch số 02/2001 cần lưu ý đối với tình tiết “hành hung để tẩu thoát”, trường hợp tội phạm đang thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, cướp giật tài sản… mà bị phát hiện, người phạm tội dùng vũ lực nhằm tẩu thoát, không nhằm mục đích giữ tài sản thì trong trường hợp này tội phạm không chuyển hóa.

Trong trường hợp này áp dụng tình tiết tăng nặng “Hành hung để tẩu thoát” đối với các tội danh đã thực hiện. Nói cách khác, người thực hiện hành vi phạm tội sử dụng vữ lực nhằm thoát khỏi sự truy đuổi hoặc chống cự của chủ tài sản mà không có ý định giữ bằng được tài sản đã trộm cắp, chiếm đoạt được thì không được coi là chuyển hóa tội phạm. Ngược lại, trường hợp người phạm tội sau khi chiếm đoạt được tài sản hoặc chưa chiếm đoạt được tài sản đã có hành vi sử dụng vũ lực đối với nạn nhân để nhằm lấy, giữ, chiếm đoạt cho bằng được tài sản thì tội phạm đã được chuyển hóa sang một mức nguy hiểm hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp mục đích và hành vi giữa “Cố chiếm giữ cho bằng được tài sản” và “Hành hung tẩu thoát” thường không rõ ràng như trường hợp ví dụ nêu trên và một số trường hợp như hành vi ăn trộm chó sau khi bị phát hiện người phạm tội thực hiện hành vi chống trả lại chủ nhà và tẩu thoát, hành vi vi này cũng còn có nhiều quan điểm khác nhau về chuyển hóa tội danh. Việc áp dụng như tinh thần hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001 còn có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Do đó, cần thiết phải ban hành văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong trường hợp chuyển hóa tội phạm như trên.

 

✅ Dịch vụ thành lập công ty ⭕ Zluat cung cấp dịch vụ thành lập công ty/ thành lập doanh nghiệp trọn vẹn chuyên nghiệp đến quý khách hàng toàn quốc
✅ Đăng ký giấy phép kinh doanh ⭐ Thủ tục bắt buộc phải thực hiện để cá nhân, tổ chức được phép tiến hành hoạt động kinh doanh của mình
✅ Dịch vụ ly hôn ⭕ Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn ly hôn, chúng tôi tin tưởng rằng có thể hỗ trợ và giúp đỡ bạn
✅ Dịch vụ kế toán ⭐ Với trình độ chuyên môn rất cao về kế toán và thuế sẽ đảm bảo thực hiện báo cáo đúng quy định pháp luật
✅ Dịch vụ kiểm toán ⭕ Đảm bảo cung cấp chất lượng dịch vụ tốt và đưa ra những giải pháp cho doanh nghiệp để tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh hay các hoạt động khác
✅ Dịch vụ làm hộ chiếu ⭕ Giúp bạn rút ngắn thời gian nhận hộ chiếu, hỗ trợ khách hàng các dịch vụ liên quan và cam kết bảo mật thông tin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *