Khi nào tài khoản ngân hàng của cá nhân bị kiểm tra?.

(Zluat) – Cơ quan điều tra Bộ Công an hoàn toàn có quyền yêu cầu tất cả các ngân hàng cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải cung cấp thông tin tài liệu, làm căn cứ để cơ quan điều tra xem xét làm rõ bản chất sự việc, làm cơ sở giải quyết. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

Thủy Tiên đến quầy giao dịch ngân hàng để nhận sao kê.

Liên quan đến phản ánh về việc một số nghệ sĩ đã lợi dụng việc quyên góp từ thiện, cứu trợ người dân miền Trung mùa lũ năm 2020, thiếu minh bạch trong quá trình giải ngân, có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vừa qua, Bộ Công an yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng rà soát tại các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, cung cấp sao kê tất cả giao dịch đối với tài khoản của Đàm Vĩnh Hưng, Thuỷ Tiên, Trấn Thành.

Vậy, theo quy định của pháp luật, khi nào tài khoản cá nhân bị kiểm tra?

Ngày 11/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2018/NĐ-CP về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nghị định này quy định tương đối chặt chẽ về việc bảo vệ bí mật, thông tin khách hàng tại các ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin khách hàng trong hai trường hợp: Tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng được quy định tại Bộ luật, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Có sự chấp thuận của khách hàng.

Ngân hàng không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng (mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập…) cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, căn cứ quy định của pháp luật thì các tổ chức tín dụng nói riêng và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nói chung có trách nhiệm phải đảm bảo bí mật thông tin khách hàng, không được phép chia sẻ, cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ ba nếu như không được khách hàng đồng ý.

Điều 21 Hiến pháp 2013 và Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 đã ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ bí mật đời tư cá nhân. Theo khoản 1 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Việc để lộ thông tin khách hàng trong các tổ chức tín dụng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tài sản của khách hàng nên việc bảo mật thông tin tài khoản khách hàng trong các tổ chức tín dụng được quy định rất chặt chẽ. Hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, trong trường hợp khách hàng bị tố cáo, có nghi ngờ liên quan đến các hoạt động tội phạm thì cơ quan điều tra có quyền thu thập các thông tin. Các tổ chức tín dụng có nghĩa vụ phải cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến hoạt động tín dụng của tổ chức, cá nhân.

Ngân hàng có trách nhiệm phải phối hợp và cung cấp thông tin với cơ quan chức năng. Việc cung cấp thông tin phải trung thực, đầy đủ, kịp thời để phục vụ công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm.

Luật sư Cường phân tích rõ, trong vụ việc này, cơ quan điều tra Bộ Công an hoàn toàn có quyền yêu cầu tất cả các ngân hàng cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải cung cấp thông tin tài liệu, làm căn cứ để cơ quan điều tra xem xét làm rõ bản chất sự việc, làm cơ sở giải quyết.

Tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cụ thể, kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Thủ trưởng cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc không thông báo hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát,…

Cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố vụ án hình sự,…

Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

Tại Điều 88 của Bộ luật này cũng quy định, để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền thu thập chứng cứ theo quy định; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án,…

Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án.

HỒNG HẠNH

Cán bộ, công chức không phải bồi dưỡng tập sự từ 10/12/2021

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one
Liên hệ Luật sư